Lãi suất ở mức thấp, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong năm nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; nâng cao chất lượng và bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...
Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục
Thủ tướng cho biết, nợ xấu thời gian qua tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%.
Một số tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay khoảng 0,5 - 1,5%. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định; dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay.
Các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank... giảm lãi suất huy động khoảng 0,5%; Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và khởi nghiệp còn 6%/năm (giảm 1 - 2%/năm); BIDV giảm lãi suất cho vay 1% đối với lĩnh vực ưu tiên; Liên Việt Postbank giảm lãi suất cho vay 1 - 1,5%/năm.
Trong báo cáo thẩm tra về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số chỉ tiêu được Chính phủ dự kiến trình trước đây như “cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý ở mức cụ thể là từ 2-3% so với mức lạm phát”, “dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu”, là khó khả thi. Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và không thể hiện trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Theo ông Vũ Hồng Thanh, định hướng giảm lãi suất cho vay là cần thiết nhưng cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên có quyết định can thiệp hành chính, đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt xử lý nợ xấu và tăng cường quản trị ngân hàng để các tổ chức tín dụng có thể giảm chi phí trong hoạt động, từ đó tác động giảm lãi suất cho vay.
Về vấn đề này, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đầu năm 2016, trên cơ sở các chỉ tiêu lạm phát và GDP, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng là từ 18-20%. Cập nhật số liệu đến hết tháng 9/2016, tín dụng đã tăng ở mức 11,74%, trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 11%. Như vậy, so với cùng kỳ, mức tăng này khả quan hơn.
Cuối năm, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao hơn những tháng đầu năm, bình quân như các tháng trong năm trước cũng vào khoảng từ khoảng 2 đến trên 2%/tháng. Nếu còn 3 tháng nữa trong cuối năm nay, nhiều khả năng cả năm sẽ đạt được chỉ tiêu định hướng 18-20%.
Lãi suất cho vay ở mức thấp
Liên quan đến mục tiêu về lãi suất, bà Hồng cho rằng, cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch từ 2-3% so với mức lạm phát có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng |
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN cũng nêu quan điểm: lãi suất cho vay bao giờ cũng dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí hoạt động của các trung gian tài chính để xác định lãi suất cho vay. Nếu hiểu lãi suất cho vay chênh lệch thấp hơn lạm phát là 2-3%/năm thì trong chỉ tiêu định hướng của kế hoạch 2016-2020, mục tiêu lạm phát trong những năm đầu là khoảng 4%, và đưa lạm phát về 3% vào năm 2020, trừ đi như vậy thì lãi suất cho vay là 1%, như vậy có hợp lý hay không? Chưa kể đến còn trừ đi chi phí của hoạt động trung gian thì lúc đó lãi suất huy động sẽ là 0% hay là âm?
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, nếu hiểu lãi suất cho vay chênh lệch cao hơn lạm phát 2-3% thì cũng không hợp lý nếu so với các nước khác (chênh lệch lãi suất cho vay và lạm phát của các nước khoảng 4-7%: Indonesia 6,3%, Malaysia 2,5%, Philippines 4,2%, Singapore 5,8%, ngoài ra Ấn Độ 4,4%, Thai Lan 7,5%). Tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ở Việt Nam không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực vì lãi suất cho vay đến cuối năm 2015 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới): Indonesia 12,7%, Malaysia 4,6%, Philippines 5,6%, Singapore 5,35%, Ấn Độ 10,3%, Thai Lan 6,6%, còn Việt Nam phổ biến 6-11% (bình quân ~7-9%), doanh nghiệp tốt vay 4-5%.
Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, trong điều hành phải bám sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp, có cơ hội giảm được để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là cố gắng giảm và không chủ quan với diến biến của lạm phát./.