Sau Tết, lãi suất tiết kiệm lại “nóng” hầm hập. Các ngân hàng đua nhau niêm yết lãi suất ở mức “đỉnh” hoặc “sát đỉnh”. Kể từ 12/1, ngân hàng Quốc Dân (NCB) áp dụng mức trần là 8%/năm. Ngoài mức “đỉnh” 8%/năm, NCB còn nhiều mức lãi suất cao như 7,8%/năm (kỳ hạn 18 tháng) và 7,5% áp dụng cho 5 kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 30 tháng, 36 tháng và 60 tháng.

Lãi suất cao nhất tại ngân hàng Xây dựng (CB) cũng là 8%/năm. Mức này được CB áp dụng trong nhiều tháng trở lại. Còn ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) không sử dụng mức trần này trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau Tết, một số phòng giao dịch của VPBank đã treo biển “lãi suất 8%/năm” trở lại.

Ngoài ra, khá nhiều ngân hàng “neo” lãi suất ở mức sát trần như Pvcombank (7,9%/năm), Vietcapital Bank (7,9%/năm), BacA Bank (7,65%/năm), TPB (7,6%/năm), Sacombank (7,55%/năm),…

lai suat tiet kiem leo dinh sau tet lai suat cho vay van se giam
Lãi suất tiết kiệm ‘leo đỉnh’ sau Tết nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa

Trong báo cáo “Kết quả hoạt động ngân hàng tháng 1/2017 và định hướng năm 2017”, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận trong những ngày đầu tháng 01/2017 có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm.

“Việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường” – Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Ngân hàng Nhà nước cho biết với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng dịp cuối năm, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thể tiếp tục là ngân hàng tiên phong trong đợt giảm lãi suất cho vay lần này.

Theo Vneconomy, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hiện tại Vietcombank, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Vietcombank luôn sẵn sàng đồng hành, sẻ chia với người dân và doanh nghiệp. Vietcombank khẳng định luôn áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp hơn mặt bằng lãi suất chung của thị trường”, ông Hà nói.

Về các điều kiện cụ thể, theo lãnh đạo này, trên cơ sở uy tín và danh tiếng, chất lượng dịch vụ, Vietcombank chú trọng và thu hút được nguồn vốn giá rẻ, linh hoạt trong cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí quản lý..., từ đó có thể giảm thiểu chi phí huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.