Trong các tiêu chí để xây dựng NTM, việc nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố tiên quyết nhằm đảm bảo tính bền vững trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tuy nhiên, việc làm chuyển biến nhận thức của nhân dân, nhất là đối với bà con dân tộc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ở La Hiên cũng vậy, để thay đổi thói quen, phương thức sản xuất đã cũ, nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế kiểu mẫu đã được xây dựng.

la hien xay dung nong thon moi ben vung
Mô hình chăn nuôi lợn tập trung theo hướng công nghiệp ở xóm Khuôn Ngục, xã La Hiên, huyện Võ Nhai.

Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp ở xã Khuôn Ngục. Mô hình chăn nuôi này đã thu hút hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số địa phương vào làm việc, vừa tạo thu nhập, vừa khuyến khích người dân tập chung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của chính người dân địa phương. Anh Triệu Phúc Khánh, xóm Đồng Đình, xã Khuôn Ngục nói: “Trước đây, gia đình chỉ phát triển kinh tế bằng làm ruộng hết sức khó khăn. Sau khi vào làm lao động tại trang trại, điều kiện kinh tế gia đình đã dần phát triển. Đặc biệt, từ những đồng lương và những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình lao động, tôi cùng gia đình đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi”.

Có thể thấy, từ những mô hình kiểu mẫu và chủ trương khuyến khích sản xuất của chính quyền xã La Hiên, những năm gần đây, người dân trong xã đua nhau phát triển kinh tế, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi. Tính đến thời điểm này, xã đã chuyển đổi gần 20 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, khuyến khích thành lập được 8 trang trại chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi các thể mang lại thu nhập ổn định, từng bước hướng tới sản xuất công nghiệp thu nhập cao. Với những cách làm đồng bộ mang lại hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể qua từng năm, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2011, toàn xã có tỷ lệ hộ nghèo là 16%, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 14 triệu đồng/người thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 8,7%, thu nhập bình quân đạt gần 26,5 triệu đồng/người. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017, xã La Hiên phấn đấu hoàn thành việc xây dựng chợ kiểu mới để thúc đẩy việc giao thương hàng hóa cho người dân địa phương.

la hien xay dung nong thon moi ben vung
Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được đầu tư, cho thu nhập cao đối với người dân trên địa bàn xã.

Bà Vi Thị Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: “Đối với xã La Hiên, Đảng ủy, UBND huyện rất quan tâm xác định được thế mạnh của địa phương, do đó, hiện nay, một số diện tích đất cấy lúa không cho năng suất cao, chúng tôi đã xây dựng Đề án chuyển đổi mục đích cây trồng, khi xây dựng Đề án này, hơn 10ha đất của xã La Hiên đã chuyển sang trồng cây Na và các loại cây ăn quả khác”.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, xã La Hiên còn tranh thủ các nguồn đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, nguồn đóng góp trong dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động xã hội hóa cho phát triển kinh tế, giáo dục, phát triển y tế, văn hóa… Qua 5 năm xây dựng Nông thôn mới, xã đã lồng ghép các nguồn vốn tập trung hoàn thành 100% nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường liên xã; trên 50 % đường trục xóm, đường ngõ xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100% với tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 13 tỷ đồng. Từ nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã tạo đà cho bà con nhân dân tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, địa phương…

la hien xay dung nong thon moi ben vung

Từ các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều km đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Chị Lý Thị Trúc, Trưởng xóm Khuôn Ngục chia sẻ: “Với xóm đặc biệt khó khăn từ các nguồn vốn đầu tư cho các hộ nghèo như chính sách 135, đầu tư cây, con giống, vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội cho các hộ nghèo, từ đó, đời sống của bà con cũng dần với bớt những khó khăn. Đặc biệt, từ khi được đầu tư xây dựng đường giao thông liên xóm, việc thông thương của bà con thuận tiện hơn, do đó, giá trị hàng hóa cũng được nâng cao hơn trước”.

Bà Vi Thị Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết thêm: “Với xã La Hiên, hiện nay, nguồn kinh phí của xã không có để hỗ trợ trực tiếp nhưng xã tích cực tiếp cận các dự khác với các chương trình đào nghề, hỗ trợ các lớp dạy nghề, dành nhiều thời gian tuyên truyền vận động bà con vùng sâu, vùng xa tham gia các lớp đào tạo nghề để phát triển kinh tế”.

Xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, liên tục, được lợi cả trước mắt và lâu dài với đích đến là không ngừng nâng cao sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần, chính vì vậy mục tiêu của xây dựng NTM không chỉ là hoàn thành các tiêu chí, để được công nhận. Mà các địa phương khi đã cán đích NTM cũng cần tiếp tục tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả; định hướng sản xuất tập trung theo quy trình khép kín, từ đó xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của bà con; tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn; xây dựng nông thôn mới trên cơ sở hiệu quả và bền vững.