Kinh tế tăng trưởng chậm, liệu có cần dùng đến “doping”?
Kinh tế tăng trưởng chậm, vì đâu?
Kinh tế đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP quý I của 3 năm gần đây. Nếu quý I/2015 là 6,12% thì quý I/2016, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 5,48% và sang quý I/2017, con số chỉ còn 5,1%. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại; sức mua chưa được cải thiện; đầu tư toàn xã hội chưa như kỳ vọng là các nguyên nhân căn bản khiến tăng trưởng GDP quý I/2017 ở mức thấp.
Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại là một trong những nguyên nhân căn bản khiến tăng trưởng GDP quý I/2017 ở mức thấp. Ảnh: Đức Thanh |
Một nguyên nhân quan trọng khác, theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), đó là Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không còn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên như trước. Bởi thế, kế hoạch khai thác dầu khô năm nay rất thấp, chỉ có 12,28 triệu tấn, trong khi năm 2016 là 15,2 triệu tấn, những năm trước nữa lên tới 17-18 triệu tấn. Do vậy, tăng trưởng ngành khai khoáng quý I năm nay đã âm 10% so cùng kỳ năm 2016, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế quý I/2017.
Tuy nhiên, theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, vấn đề chưa hẳn là như vậy. “Có quan điểm rằng, quá trình tái cơ cấu đang đặt nền kinh tế vào bước khó khăn, bởi tái cơ cấu thì có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong trước mắt. Nhưng liệu có đúng là tại tái cơ cấu hay không? Vấn đề không nằm ở lĩnh vực khai khoáng, mà là ở khu vực chế biến, chế tạo đang tăng trưởng chậm”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cơ cấu kinh tế là để phát triển chứ không phải là để đi chậm lại. “Nếu tái cơ cấu tốt thì sẽ tạo động lực cho tăng trưởng”, ông Lịch nói và cho rằng, đúng là công nghiệp khai khoáng sụt giảm có tác động tới tăng trưởng GDP, nhưng không ảnh hưởng tới những vấn đề cốt lõi nhất của nền kinh tế.
“Muốn tăng trưởng kinh tế thì có thể đẩy khai thác khoáng sản lên, nhưng như thế không bền vững, không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Vấn đề của năm 2017 và cả năm 2018 là phải tập trung vào chất lượng tăng trưởng, chứ không phải là tăng trưởng bằng mọi giá”, TS. Trần Du Lịch nói.
Hơn thế, theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dù có muốn, năm nay nhiều nhất khả năng cũng chỉ tăng khai thác được 600.000 tấn dầu so với kế hoạch. Bởi vậy, trông chờ thúc tăng trưởng bằng tăng khai thác tài nguyên - như đã từng làm trong nhiều năm qua - là không hợp lý.
Có cần một liều “doping”?
Kinh tế tăng trưởng chậm lại, như thường lệ, một câu hỏi được đặt ra, đó là có cần dùng các biện pháp kích thích kinh tế để kích cầu đầu tư và tiêu dùng như đã từng hay không? Câu trả lời mà Báo Đầu tư nhận được từ TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế là “không”. “Bây giờ không phải là lúc cần kích tổng cầu một cách vô cớ, có phải đang giai đoạn khủng hoảng đâu, mà kinh tế thế giới đang hồi phục. Giờ không thể dùng ‘doping’ được, mà phải dùng nội lực”, ông Lịch nói.
Nội lực ấy, theo TS. Trần Du Lịch, có thể được tăng cường bằng việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 mà Chính phủ đã ban hành. “Theo tôi, các giải pháp điều hành đã đủ, không cần phải có thêm giải pháp nào nữa, mà chỉ cần tập trung thực hiện thôi. Trong đó, nên tập trung vào các vấn đề về thể chế, làm sao để các kỳ họp Quốc hội tới thông qua được luật về tái cơ cấu, luật về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm nữa, cần phải giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu”, ông Lịch nói.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng với việc đồng tình là cần rốt ráo giải quyết nợ xấu một cách thực chất, đã nhắc lại câu chuyện phát triển doanh nghiệp.
Theo ông Thiên, vấn đề quan trọng không phải là số lượng doanh nghiệp thành lập mới, mà là chất lượng. Bởi doanh nghiệp thành lập thì phải mạnh, chứ “li ti” và thiếu sức sống thì không có nhiều ý nghĩa với nền kinh tế. Thêm nữa, cần tập trung hỗ trợ để các tập đoàn tư nhân lớn phát triển mạnh, bởi đây sẽ là những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. “Cũng cần quan tâm rà soát chuyện chi tiêu ngân sách, bởi đã có không ít dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng rồi cuối cùng lại đắp chiếu”, ông Thiên nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ và tài khóa là hai trong số những giải pháp quan trọng nhất. Liên quan tới chính sách này, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội quý I/2017, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã có phiên họp.
Tại đây, các thành viên Hội đồng đều thống nhất cho rằng, xử lý các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất, tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Được biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi và điều hành chặt chẽ hoạt động cung tiền cho nền kinh tế bảo đảm đúng mục đích, đủ liều lượng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, song đồng thời cũng kiềm chế lạm phát trong ngưỡng cho phép./.