Khung luật nào cho việc quản lý các cuộc thi sắc đẹp?
Bước ra những lùm xùm của Hoa hậu Đại dương 2017, Lê Âu Ngân Anh vẫn tiếp tục tạo nên những dư luận trái chiều khi cô hoa hậu này gửi hồ sơ yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép để tham gia cuộc khi Hoa hậu Liên lục địa và sau đó liên tục xảy ra những tình huống bất ngờ với cả công chúng lẫn cơ quan quản lý. Điều này đã đặt ra hỏi về khung pháp lý với việc tổ chức, quản lý các cuộc thi nhan sắc.
Lê Âu Ngân Anh đã lên đường dự thi Hoa hậu Liên lục địa 2018 dù chưa được sự đồng ý của Cục NTBD. |
Cụ thể, sau khi đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017, Lê Âu Ngân Anh bị Cục NTBD yêu cầu ban tổ chức hủy bỏ kết quả vì phát hiện cô phẫu thuật thẩm mỹ trước khi tham gia cuộc thi. Đáp lại sự việc này, Lê Âu Ngân Anh vẫn tiếp tục tham ra các sự kiện giải trí, văn hóa nghệ thuật với danh hiệu Hoa hậu Đại dương 2017. Đầu tháng 12 năm ngoái, Lê Âu Ngân Anh nộp hồ sơ lên Cục NTBD để xin cấp phép tham gia cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa. Phía cục Nghệ thuật biểu diễn từ chối cấp phép yêu cầu ban tổ chức việc tước vương miện của Lê Âu Ngân Anh.
Tuy nhiên, mặc quyết định của cục biểu diễn, Lê Âu Ngân Anh và ê-kip vẫn sang Philippines tham dự cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa từ ngày 8-27/1. Đến ngày 16/1, đại diện luật sư của Ngân Anh xác nhận việc nộp đơn kiện cục nghệ thuật biểu diên đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc không cấp phép cho cô đi thi quốc tế.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền – đại diện Công ty luật Đồng đội về trường hợp này của Lê Âu Ngân Anh.
PV: Thưa luật sư Trần Xuân Tiền, trong diễn biến mới nhất, đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa đã lên tiếng rằng Lê Âu Ngân Anh hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu theo quy định của cuộc thi. Trong khi Cục nghệ thuật biểu diễn lại khẳng định cô ấy đi thi chui. Ở vị trí của một luật sư, ông có thấy bất ngờ không?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Tôi cũng khá bất ngờ, một bên tổ chức cho rằng là đúng, bên phía mình lại khẳng định không đủ điều kiện, thi chui. Việc đi thi hoa hậu là thi sắc đẹp của một tổ chức, đất nước luôn đem một tiêu chí cái đẹp.
Ở đây, cái đẹp là gì khi không tuân thủ pháp luật? Anh đã đi xin cấp phép mà không được cấp phép, anh vẫn cứ đi, như thế là anh đã không tôn trọng pháp luật của nước sở tại. Việc đơn vị tổ chức quốc tế chấp nhận hay không là câu chuyện khác. Trường hợp này, không phải là mâu thuẫn giữa luật quốc tế và luật pháp của Việt Nam. Đó là những đánh giá về phía Lê Âu Ngân Anh.
PV: Trước đó, khi nhận được thông tin từ phía luật sư của Ngân Anh cùng với thông tin báo chí, ông Phí Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã khằng định Ngân Anh không hiểu về pháp luật mới làm như vậy. Nhưng, thông tin phản hồi của BTC cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa thì xem ra, Cục NTBD đang đuối lý, thưa luật sư?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Tôi cho rằng, việc trả lời không hiểu biết pháp luật như thế cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì, nếu như người đi thi không làm đúng yêu cầu thì cơ quan nhà nước phải buộc có biện pháp hành chính để ngăn chặn kịp thời tránh việc một công dân không tuân thủ pháp luật. Còn việc không hiểu biết pháp luật là chính người nhà nước phải hướng dẫn và tuyên truyền và phải có biện pháp ngăn chặn việc đấy. Bản thân kết quả việc thi Hoa hậu Đại dương của Lê Âu Ngân Anh đã lùm xùm từ 2017 và có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Tôi cho rằng, việc đó không tốt và xảy ra việc Lê Âu Ngân Anh tiếp tục đi thi như thế này thì cục đã không hoàn thành trách nhiệm và cũng không có biện pháp báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tránh việc như thế này là không tôn trọng pháp luật
PV: Chúng ta đã để việc lùm xùm này diễn biến quá lâu và đã theo một hướng khác và có một chi tiết là đại diện Hoa hậu Liên lục địa cũng nhấn mạnh về việc họ không biết việc cấp phép hoặc không được cấp phép này. Phải chăng Cục NTBD không hề có vai trò gì trong việc đi thi hoa hậu này?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo quy định của pháp luật, một cá nhân muốn đi thi quốc tế thì phải làm thủ tục xin giấy phép, trong thời gian 5 ngày, cục NTBD phải trả lời. Nếu được, Cục NTBD sẽ đồng ý cho đi và cấp phép, nếu không đủ thì từ chối và có văn bản trả lời. Nhưng ở đây, đơn vị cũng đã làm thủ tục và Cục NTBD cũng đã có trả lời nhưng thời gian nhận đơn và thời gian trả lời họ nhận được không đúng quy định là 5 ngày.
Rõ ràng là Cục NTBD đã trả lời không đúng thời gian, không đúng nội dung thì giá trị văn bản đó nó không còn giá trị và dẫn đến người ta vẫn đang đi thi và anh không làm gì được, dẫn đến việc Cục quản lý thay mặt cho cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề văn hóa thông tin đã không thể kiểm soát kịp. Vấn đề thi hoa hậu rất nhạy cảm, được nhiều người quan tâm và thực trạng như trên là không được.
Nhan sắc của Lê Âu Ngân Anh gây tranh cãi trong đêm đăng quang Hoa hậu Đại Dương 2017. |
PV: Thưa ông , tới thời điểm này chúng ta đã có khung pháp lý nào cho việc quản lýcác cuộc thi nhan sắc hay là vẫn là giao toàn bộ cho Cục NTBD thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi người đẹp, người mẫu theo nghị định 79/2012, thưa ông?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Về quy định, vẫn phải giao cho Cục NTBD quản lý, nhưng đã có điều chỉnh pháp luật. Như nghị định 28/2017 sửa đổi bổ sung nghị định 158/2013 để hướng dẫn chi tiết rõ ràng hơn, những vấn đề nó chưa rõ. Quy định hướng dẫn tước danh hiệu hoa hậu thì phải quy định là tước khi nào, chứ không phải tùy tiện muốn tước là tước, có quyền nhưng có hạn, cơ quan cục NTBD chỉ có việc yêu cầu chứ không có quyền trực tiếp để tước nên giữa pháp luật đi vào đời sống, thực tiễn có vấn đề chưa ổn .
PV: Thế người có quyền tước đây là ai, thưa ông?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo quan điểm của tôi là người cấp, trao tặng danh hiệu đó thì người đó có quyền thu hồi lại, có quyền tước. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có quyền kiến nghị, yêu cầu việc thực hiện làm, nếu không làm đơn vị sẽ bị chế tài .
PV: Trong trường hợp này , đơn vị tổ chức tước vương miện hoa hậu của Lê Âu Ngân Anh thì có chuyện gì xảy ra, thưa ông ?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Việc tước hay không phải do quy chế, nếu Lê Âu Ngân Anh là người sai quy chế, khi BTC phát hiện lỗi sai của cô ấy ảnh hưởng về đạo đức, nhân phẩm, hoặc vi phạm pháp luật, quy định cuộc thi thì BTC tước quyền là đương nhiên. Ở đây , Lê Âu Ngân Anh có từng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng cô ấy đã thừa nhận khi đang diễn ra cuộc thi nhưng BTC vẫn đồng ý, nên trách nhiệm thuộc về BTC chứ không phải Lê Âu Ngân Anh.
PV: Việc tước danh hiệu hoa hậu ở nước ta không còn là việc hi hữu, còn quy mô ở thế giới thì sao, trường hợp “bất tuân” như Lê Âu Ngân Anh có xảy ra ở quy mô quốc tế không, thưa luật sư?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Tôi được biết không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới rất nhiều hoa hậu bị tước danh hiệu. Vấn đề ở đây là tước hay không tước phải đúng pháp luật và thuyết phục. Tránh việc chúng ta yêu cầu tước nhưng lại không đúng, nhưng cũng không biết trách nhiệm về ai, không xử lý tiếp mà để hàng năm trời, vẫn để lùm xùm, dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp. Người ta thấy rằng xin không được mà vẫn cứ đi thi, thể hiện sự nhờn luật.
PV: Điều này cũng nói lên thực tế rằng cách quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền như Cục NTBD vẫn còn rất nhiều hạn chế, nếu như không muốn nói là yếu kém từ khâu cấp phép, quản lý biểu diễn đến việc thu hồi danh hiệu?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Tôi cho rằng, việc cấp phép cũng có rất nhiều vấn đề dư luận lên án, phê phán. Thừa nhận rằng cấp phép là nghĩa vụ của nhà nước phải cấp, người dân phải tuân thủ pháp luật. Nhưng ở đây có chuyện phục vụ không kịp thời, không đủ điều kiện hoặc giấu tiêu chuẩn dẫn đến cuộc thi không đem đến cái đích cuối cùng .
PV: Từ câu chuyện của Lê Âu Ngân Anh, theo ông cơ quan chức năng phải thay đổi công tác tổ chức biểu diễn các cuộc thi nhan sắc như thế nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Muốn thay đổi được thực tế trên, các cơ quan chức năng cần phải có luật và rõ ràng quy trình, phải thể chế hóa, cụ thể hóa về trách nhiệm của mỗi cá nhân.
PV: Xin cảm ơn luật sư Trần Xuân Tiền!