Nhận định về các chỉ số kinh tế vĩ mô Quý 1/2017 do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số giá các mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang tăng mạnh. Trong đó đáng phải kể đến là giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và một phần hàng hóa trong nhóm giao thông.

Riêng về giá của mặt hàng điện, các chuyên gia lưu ý rằng, việc chậm điều chỉnh giá điện từ 2 năm nay (tính từ thời điểm ngày 16/3/2015) đang làm méo mó thị trường. Trì hoãn tăng giá điện không khuyến khích tiết kiệm điện, giá điện thấp sẽ là trở ngại cho quá trình mời gọi các nhà đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, đặc biệt là điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

khong the tri hoan tang gia dien them nua

Dự án Phong điện 1 tại huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Việt Quốc)

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, cân nhắc những ảnh hưởng, tác động của điều chỉnh giá điện lên lạm phát là đúng, nhưng cũng cần tính đến hiệu quả của việc tăng giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục thời gian qua và hệ quả của việc kìm hoãn giá điện tới phát triển chung trong dài hạn.

“Chúng ta đã kìm nén giá điện 2 năm nay, nếu cứ tiếp tục dồn nén giá điện sẽ rất khó để có thể bảo đảm nguồn điện và càng khó để đầu tư vào nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, ông Tuyển nói và cho rằng, “không thể trì hoãn tăng giá điện thêm nữa, vì có thể sang năm lạm phát còn cao hơn nên giá điện sẽ gây sức ép lên lạm phát”.

Theo ông Tuyển, lựa chọn mà Chính phủ nên làm là tạm hoãn việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế để điều chỉnh giá điện. Khi không điều chỉnh giá điện sẽ rất khó để các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong khi nhu cầu nguồn điện đang tăng lên để bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Thừa nhận cái khó trong điều hành giá của Việt Nam chính là điều chỉnh giá điện, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều chỉnh giá điện ngoài việc tác động đến đời sống - xã hội còn là vấn đề của hiệu quả đầu tư, hiệu quả tiêu dùng và tác động mạnh tới lạm phát.

Theo lộ trình của Chính phủ đặt ra về điều hành giá dịch vụ công, việc điều chỉnh giá dịch vụ bảo hiểm, y tế, giáo dục sẽ được hoàn thành trong năm nay. Nhưng trước việc lạm dụng tăng giá mạnh của các dịch vụ y tế thời gian qua mà theo TS. Võ Trí Thành là “vô tội vạ” và chưa kiểm soát được tình hình, ông khuyến cáo nên cân nhắc việc trì hoãn để nghiên cứu một cách có khoa học giá các dịch vụ này. Theo đó, cần tính tới khả năng tăng giá điện để đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện có chất lượng tốt hơn.

“Theo Sơ đồ điện 7 trong vòng 5 năm tới, tỷ lệ điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ rất thấp, Việt Nam vẫn phải dựa chủ yếu vào nhiệt điện. Việt Nam sẽ phải làm cách nào để nhiệt điện ít phát thải và ô nhiễm, tăng thu hút đầu tư, trong khi với thị trường điện cạnh tranh? Làm thế nào để Việt Nam tăng được tính hấp dẫn, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho phát triển bền vững?”, TS. Võ Trí Thành lo ngại.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý 2 điểm quan trọng trong vấn đề giá điện gắn với phát triển kinh tế và đời sống, đó là công nghệ mới và hành vi ứng xử về tiêu dùng năng lượng. Trong khi công nghệ nguồn điện mới đang được Việt Nam tiếp cận, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ cho lợi ích thiết thực trong hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình, doanh nghiệp mà còn là mấu chốt của phát triển kinh tế xanh gắn với năng lượng sạch và đầu tư các nguồn năng lượng thay thế.

Đặc biệt trong quá trình điều chỉnh giá điện ở Việt Nam, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, dù việc điều chỉnh giá điện có theo lộ trình và phương án nào, mức tăng bao nhiêu vẫn luôn phải tính đến việc hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện.

Trong đó, Bộ Công Thương cần báo cáo chi tiết về sản lượng, cơ cấu điện, các phương án cập nhật chi phí đầu vào theo tinh thần có giá điện hợp lý, khuyến khích đầu tư, đảm bảo cân đối điện năng, thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế./.