Kiểm tra việc tăng giá điện: Xem xét lại biểu giá bán lẻ 6 bậc thang
Đoàn kiểm tra việc thực hiện quyết định 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương do ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tại các đơn vị Điện lực trên địa bàn các tỉnh miền Bắc và TP Hà Nội trong 3 ngày, từ 8-10/5/2019.
Các thành viên trong đoàn gồm đại diện các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ NTD, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh & xã hội.
Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các đơn vị Điện ở các tỉnh miền Bắc và TP Hà Nội từ 8-10/5. Ảnh minh họa: KT |
Cụ thể, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị Điện lực báo cáo về công tác niêm yết công khai giá, việc ghi chỉ số công tơ, phúc tra chỉ số công tơ, chăm sóc khách hàng, tuyên truyền các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công Thương về công tác điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu cung cấp hồ sơ khách hàng và chọn ngẫu nhiên một số khách hàng để đối chiếu. Thực tế Trung tâm Dịch vụ chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Đoàn yêu cầu lựa chọn một số mã khách hàng có điện thoại về tổng đài chăm sóc khách hàng để nghe lại các đề nghị của khách hàng, cách tư vấn của tư vấn viên và kết quả giải quyết khiếu nại của khách hàng…
Thực tế tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc đơn vị này cho biết, Hiện EVN Hà Nội có khoảng 2,5 triệu khách hàng. Trong tháng 4/2019 có hơn 552.000 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 đến 2 lần (tỷ lệ 24,3%); 192.665 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng trên 2 lần (tỷ lệ 8,48%).
Cũng trong tháng 4, EVN Hà Nội nhận được 67.840 cuộc gọi, trong đó 702 cuộc gọi thắc mắc về hóa đơn tiền điện (tháng trước đó có 60.776 cuộc gọi, trong đó có 379 cuộc gọi liên quan đến hóa đơn tiền điện). Tất cả các trường hợp phản ánh đã được các đơn vị của EVN Hà Nội làm việc với khách hàng và giải quyết theo quy định phải giải đáp trong vòng 24 giờ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng, đánh giá cao Bộ Công Thương đã kịp thời tổ chức 3 đoàn kiểm tra về việc thực hiện Quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện, và thành phần tham gia đoàn bao gồm các đơn vị, tổ chức như Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế quốc hội, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc, Tổng liên đoàn lao động, Hội Bảo vệ người tiêu dùng... cho thấy tính xã hội cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tôi quan tâm đến mấy vấn đề: thứ nhất là số người thắc mắc khiếu kiện có nhiều không. Qua số liệu mà các Trung tâm chắm sóc khách hàng cung cấp tôi thấy rất thấp. Cụ thể như ở Tổng công ty điện lực miền Bắc, tổng số khách hàng là hơn một triệu, hay ở Tổng công ty điện lực Hà Nội có khoảng 2,5 triệu khách hàng, nhưng số khách hàng khiếu nại đến đây chỉ có hàng chục thôi, cụ thể là 25, mà trong 25 người đó thì tôi đang hỏi cụ thể là bao nhiêu khách hàng thắc mắc về giá điện thì các vị ấy còn đang chuẩn bị cung cấp hồ sơ cụ thể.
Thứ 2, nhiều người cứ nghĩ đơn giản là tăng 8,36% thì lẽ ra tháng này so với tháng trước nó có tăng thì tăng 8,36% nhưng tiền điện khá phức tạp bởi vì nó theo hệ số bậc thang, riêng sinh hoạt có tới 6 bậc, sang bậc khác thì giá lại khác, thành ra nếu không tiết kiệm mà đáng lẽ đang trong khung bậc này nhưng do không tiết kiệm nó sang khung bậc khác thì lại phải chịu mức giá khác”.
Qua thực tế tại một khách hàng công nghiệp lớn trên địa bàn quận Long Biên (TP Hà Nội), ông Bạch Thăng Long - Phó TGĐ Tổng Công ty May 10 cho biết, việc phối hợp giữa đơn vị điện lực trên địa bàn với doanh nghiệp khá chặt chẽ. Cùng với tuyên truyền, Điện lực còn hỗ trợ các phương pháp sử dụng điện an tàn, tiết kiệm. Đơn cử, mới đây có chương trình điều chỉnh phụ tải điện, May 10 cũng đã đăng ký tham gia để được hưởng chính sách giá điện (giờ thấp điểm) thay vì sử dụng toàn bộ vào giờ cao điểm, qua đó giảm được chi phí.
Liên quan đến việc có những thông tin chưa thuận trong việc điều chỉnh giá điện vừa qua, ông Bạch Thăng Long cho rằng: “Theo quan điểm cá nhân của tôi thì có lẽ là do công tác truyền thông. Truyền thông có thể là chưa làm cho người dân chưa hiểu hết. Nhu cầu mà người ta đòi hỏi là rất chính đáng thôi, tức là cơ sở để anh tăng ở mức đó, cách tính như thế nào, có khoa học không, có phù hợp không. Nếu phù hợp rồi thì rõ ràng là công tác truyền thông của ngành điện là chưa đạt yêu cầu. Hiện nay Chính phủ đã quyết định thanh tra về phương pháp, cách tính giá thành của ngành điện, cái đấy là đúng. Đặt trường hợp là cách tăng 8,36% mà cách tính đúng rồi thì khi công khai mọi người sẽ hiểu hơn, còn rõ ràng, thanh tra mà cách tính chưa đúng thì phải điều chỉnh”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều Tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại chưa có bảng tổng kết đầy đủ của cả ba đoàn thực tế kiểm tra tại 3 khu vực (miền Bắc, miền Trung và miền Nam), nhưng sau ba ngày kiểm tra việc thực hiện Quyết định 648/QĐ-TTg tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho thấy, việc thực hiện công tác thông tin cho khách hàng về các quy định của Bộ Công Thương về điều chỉnh giá điện, thực hiện chốt xong chỉ số công tơ trong ngày 20/3… cơ bản đã thực hiện đúng quy định. Các công ty điện lực cũng thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định tại luật giá.
“Chúng tôi cũng kiểm tra tình hình thực tế tại các công ty điện lực, xem xét trường hợp thực tế những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về tiền điện tăng cao, qua kiểm tra hồ sơ và trung tâm chăm sóc khách hàng cho thấy hầu hết các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng đều được giải quyết kịp thời, đầy đủ và khách hàng thỏa mãn với giải thích của trung tâm chăm sóc dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận một số thắc mắc của một số khách hàng và một số phản ánh của báo chí về việc xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện - 6 bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện của khách hàng sinh hoạt. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ thu thập các số liệu thực tế về sử dụng điện và sẽ nghiên cứu cải cách biểu giá bán lẻ điện báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để làm sao chúng ta có được một biểu giá bán lẻ điện phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trong các tháng 5,6,7 tới đây là cao điểm của mùa nắng nóng ở miền Bắc, với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, nhu cầu tiêu thụ điện chắc chắn sẽ còn tăng cao, vì vậy, các đơn vị điện lực cần tăng cường tuyên truyền tốt việc sử dụng điện hiệu quả. Các gia đình nên sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, có dán nhãn năng lượng và chủ động kiểm soát được lượng điện tiêu dùng phù hợp với khả năng chi trả của mỗi gia đình./.