Không nới room tín dụng, ngân hàng có đạt chỉ tiêu lợi nhuận?
Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng là 14%, thấp hơn nhiều so với con số của các năm trước, cũng như thấp hơn mục tiêu chung của ngành ngân hàng trong năm nay là 17%. Đến hết tháng 6 vừa qua, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm. Cụ thể, nhiều ngân hàng đã chạm hoặc gần chạm trần hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp từ 14-16% như: TPBank (16%), HDBank (15%), LienVietPostBank (13,3%), OCB (12,2%)... Một số ngân hàng kỳ vọng được nới thêm room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tăng cao.
Với việc hạn chế nới room tín dụng, các ngân hàng khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, với việc ban hành Chỉ thị số 04 của NHNN về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Các ngân hàng phải đảm bảo tăng trưởng dư nợ phù hợp. NHNN sẽ không cấp theo hạn mức tăng trưởng dư nợ, do sức ép tăng trưởng tín dụng đã giảm so với trước đây. Do đó, với các nhà băng không được nới thêm room tín dụng đã buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, lợi nhuận thu về. Cụ thể, LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lợi nhuận năm 2018, từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng, đồng thời giảm mức cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%. Dư nợ tín dụng của TPBank cũng đạt mức tăng trưởng 14%, tính đến cuối tháng 6/2018 đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn trên 1.000 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm cho Ngân hàng. Dù đã hoàn tất hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm, nhưng mục tiêu lợi nhuận 2.200 tỷ đồng trước thuế cho cả năm 2018 vẫn là thách thức đối với nhà băng này khi room tín dụng gần cạn. Bởi đến thời điểm này và khả năng, TPBank cũng như các nhà băng khác có thể không được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng. Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho toàn ngành trong năm 2018 đạt khoảng 17%, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định liệu các ngân hàng có đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng hay không, vì từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng thấp hơn những năm trước. Tại mỗi ngân hàng đều có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng. Nhiều ngân hàng có chỉ tiêu tín dụng thấp, chỉ từ 10%-11%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu chung là 17%. Vậy vì sao NHNN lại giao chỉ tiêu thấp như vậy cho một số ngân hàng? Theo ông Hiếu, với những ngân hàng nhỏ và yếu, NHNN muốn đưa ra một con số tăng trưởng thấp hơn những ngân hàng “khỏe mạnh”, có lãi, như vậy sẽ buộc họ tập trung hơn đầu tư vào chất lượng thay vì tăng trưởng bằng những con số. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận với những ngân hàng này sẽ khá khó khăn vì lợi nhuận bao giờ cũng đi kèm với việc tăng trưởng tín dụng mà phần lớn thu nhập của các ngân hàng, lãi của các ngân hàng đều đến từ hoạt động tín dụng. Ông Hiếu cho rằng, nếu NHNN giới hạn tăng trưởng tín dụng trong năm nay thì lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay rất khó có thể đạt được như năm ngoái. Đặc biệt, những ngân hàng có chỉ tiêu tín dụng thấp thì khả năng về đích khá khó khăn. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh room tín dụng rất khó được “nới” như vậy, các nhà băng vẫn có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận nếu biết đi đúng hướng và có chiến lược rõ ràng. Thay vì tập trung nhiều vào thị trường 1 thì họ có thể kinh doanh vốn trên thị trường 2, nghĩa là họ có thể cho các ngân hàng khác vay rồi lấy tiền đó để mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời họ cũng có thể hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, chẳng hạn như mua bán ngoại tệ để có nguồn thu từ thị trường này. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thể đẩy mạnh tăng thu dịch vụ vì nếu tăng trưởng tín dụng đã chạm trần thì buộc các ngân hàng phải quay trở lại bài toán tăng thu từ dịch vụ và bắt buộc phải cắt giảm chi phí để có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. “Các ngân hàng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ ngân hàng, hạn chế nợ xấu, đặc biệt phải tìm cách giảm chi phí dự phòng rủi ro bằng cách tăng chất lượng tín dụng, xét cấp tín dụng cẩn thận hơn, tránh những tín dụng rủi ro, trong đó có tín dụng bất động sản và tín dụng chứng khoán. Nếu làm được những việc đó thì có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận mà không nhất thiết phải nới room tín dụng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên./.