Phòng, chống bệnh dại: Đừng chủ quan
Người dân cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi

Không may bị chó của gia đình cắn, ông Đồng Quang Trường, xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công đã nhanh chóng đến ngay phòng tiêm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được tư vấn và tiêm chủng kịp thời. Ông Trường cho biết mặc dù là chó nhà cắn nhưng ông cũng không chủ quan, bởi đã thấy nhiều trường hợp tử vong do chó dại cắn. "Khi tôi bị chó cắn, tôi đã dùng xà phòng rửa nhiều lần, bóp hết máu ra".

Em Bùi Thị Ngọc Linh, ở Bắc Giang, hiện đang là sinh viên, em cho biết là bản thân cũng ý thức được tác hại của bệnh dại khi bị chó mèo cắn, mặc dù chỉ bị chó của gia đình cào cách đây 2 hôm, nhưng vì lo cho sức khỏe của bản bân mình và cộng đồng nên em đã đến ngay cơ sở y tế tư vấn và tiêm phòng dại để tránh hệ lụy có thể xảy ra.

Dại là bệnh truyền nhiễm từ chó mèo sang người qua vết cắn, liếm, có tỷ lệ tử vong tới 100% một khi virus dại xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương của người mắc. Bên cạnh nhiều người đã có ý thức trong việc chủ động phòng ngừa bệnh dại, thì vẫn còn một số người còn chủ quan, không tiêm chủng hoặc trì hoãn tiêm chủng khi bị cắn. Tại các địa phương, khu dân cư đặc biệt là tại các nơi công cộng trên địa bàn tỉnh tình trạng người dân thả rông chó mèo, không rọ mõm vẫn diễn ra. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại và trên 900 trường hợp đang phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn.

Phòng, chống bệnh dại: Đừng chủ quan
Ông Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: 100 % trong những trường hợp tử vong đều do người dân không được đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và được tiêm vắc xin kịp thời, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì chúng tôi đánh giá, một phần là do hiểu biết của người dân chưa thực sự đầy đủ và đúng về cách phòng chống bệnh dại. Chúng tôi đã triển khai rất nhiều các biện pháp, ví dụ như mô hình về quy chế phối hợp giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, từ mô hình này cứ cuối buổi chiều hàng ngày chúng tôi lập tức cung cấp thông tin từ Phòng tiêm phòng chống bệnh dại của CDC sang cho Chi cục chăn nuôi và thú y và Chi cục chăn nuôi và thú y sẽ chia sẻ thông tin này tới tất cả các huyện, thành, thị xã, và tất cả những trường hợp mà chó nghi dại ở tất cả các địa chỉ mà chúng tôi cung cấp sẽ lập tức được kiểm tra và nếu có những biểu hiện nghi ngờ thì lập tức sẽ được xử lý để ngăn ngừa cái nguy cơ mà bệnh dại có thể phát tán rộng trong cộng đồng càng sớm càng tốt.

Để bệnh dại không còn là nỗi lo, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm quy định về nuôi chó, mèo; chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi; xích nhốt, không thả động vật chạy rông và đeo rọ mõm khi ra đường. Thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện vô cớ cắn người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất.