Tăng cường các hoạt động khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân các tiết mục đặc trưng với làn điệu hát then, đàn tính.

Những ngày này, Nhà văn hóa thôn Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ là nơi tập luyện của các hạt nhân văn nghệ, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, nên được hướng dẫn các tiết mục đặc trưng với làn điệu hát then, đàn tính. Từ đó, hướng đến tính chuyên nghiệp, bài bản trong hoạt động nghệ thuật quần chúng, vừa bảo tồn dân ca, vừa từng bước xây dựng điểm nhấn trong du lịch cộng đồng tại xã La Bằng.

Bà Hoàng Thị Thi, xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ chia sẻ: "Đưa được mô hình như này về, chúng tôi rất mong muốn đào tạo cho chúng tôi biết đánh được nhiều các bài. Chúng tôi muốn có nghệ nhân dạy chúng tôi đàn tính".

Ông Triệu Văn Hiền, xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ cho hay: "Nếu cứ duy trì được như thế này, cấp tỉnh, huyện, xã vừa hỗ trợ vừa hưởng ứng, tôi thấy rất phấn khởi".

Tăng cường các hoạt động khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã triển khai liên tục các mô hình, mẫu hình làng bản về văn hóa, văn nghệ tại cơ sở.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã triển khai liên tục các mô hình, mẫu hình làng bản về văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, trong đó, tập trung vào các địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Ở mỗi mô hình, trong khoảng thời gian 10 ngày, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh hướng dẫn các hạt nhân văn nghệ cách phục dựng, khai thác và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cách thức tổ chức xây dựng kết cấu một chương trình nghệ thuật tổng hợp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Từ năm 2010, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh thường mỗi năm xây dựng 10 mô hình, mẫu hình, riêng năm nay, chỉ tập trung vào 5 mô hình. Các mô hình chủ yếu khơi dậy các bản sắc văn hóa, các tiết mục về bản sắc văn hóa dân tộc. Năm nay, có nét đặc biệt là Sở yêu cầu làm về mô hình dân tộc Dao và dân tộc Tày".

Các mô hình, mẫu hình làng bản văn hóa, văn nghệ trên đã khơi dậy tinh thần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng và góp phần tạo sự sôi động của phong trào nghệ thuật quần chúng đối với đời sống tinh thần của bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung./.