Iran, Anh tranh cãi về cáo buộc tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman
Hôm qua (15/6), Iran đã triệu Đại sứ Anh tại nước này sau khi Anh ra tuyên bố quy kết Iran tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua. Động thái này của Iran đưa ra sau khi Anh ủng hộ cáo buộc của Mỹ nói rằng Iran tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản.
Iran, Anh tranh cãi về cáo buộc tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc làm việc giữa Đại sứ Anh với quan chức Bộ Ngoại giao Iran, Iran đã “chỉ trích mạnh mẽ những cáo buộc vô căn cứ và lập trường không thể chấp nhận được của Anh về các vụ tấn công trên Vịnh Oman”. Ngoài ra, phía Iran cũng yêu cầu Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire phải giải thích và đính chính lại thông tin. Anh hiện là quốc gia duy nhất ủng hộ cáo buộc của Mỹ nói rằng Iran tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản.
Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh đã lập tức bác bỏ thông tin trên, khẳng định không hề có chuyện Iran triệu Đại sứ Anh.
Căng thẳng giữa hai bên bùng phát sau khi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm qua ra tuyên bố lên án Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành vụ tấn công hai tàu chở dầu trên vịnh Oman. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng các cuộc tấn công là hệ quả của hành vi gây bất ổn đặc trưng của Iran, tạo ra đe dọa thường trực nguy hiểm cho toàn bộ khu vực.
“Tôi nghĩ rằng, chúng ra đã biết khá rõ là ai phải chịu trách nhiệm trong vụ này. Chúng ta cũng có bằng chứng video rõ ràng cho thấy người Iran đã nhúng tay vào việc này.”
Trước đó, Mỹ cũng đưa ra cáo buộc tương tự, kèm theo đoạn băng video quay cảnh một nhóm người trên chiếc cano có kiểu dáng giống hệt phương tiện tuần tra của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang tìm cách gỡ một thiết bị giống như khối thuốc nổ được gắn trên mạn một trong hai con tàu bị tấn công. Tuy nhiên, Iran bác bỏ cáo buộc, cho rằng đây là âm mưu nhằm đổ vấy cho Iran.
Trong bối cảnh Mỹ và Iran có những tranh luận liên quan đến vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu, các chính phủ và công ty chở dầu đang tăng cường nỗ lực để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển dầu.
Hôm qua, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã kêu gọi các cường quốc thế giới hỗ trợ để đảm bảo an ninh hàng hải và nguồn cung năng lượng sau các vụ tấn công tàu chở dầu tại eo biển chiến lược ở vùng Vịnh. Phát biểu tại hội nghị ở Bulgary, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan nêu rõ cộng đồng quốc tế cần hợp tác để đảm bảo an toàn hàng hải và tiếp cận năng lượng
“Chúng tôi đã trình bày bằng chứng của mình cho Hội đồng Bảo an. Kết luận của chúng tôi là cuộc tấn công này chỉ có thể thực hiện bởi những lực lượng được chính phủ bảo trợ. Tôi không nêu tên quốc gia đó ra đây. Chúng tôi hy vọng rằng, chúng ta có thể hợp tác hơn nữa với các bạn bè và đối tác của mình để ngăn chặn sự leo thang như vậy "
Cùng ngày, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cũng chia sẻ trên Twitter kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh chóng trước mối đe dọa với nguồn cung năng lượng, ổn định thị trường và niềm tin của khách hàng. Dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih tại hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Nhật Bản, bộ này nêu rõ, cộng đồng quốc tế cần phải phản ứng nhanh chóng và quyết liệt với mối đe dọa nguồn cung năng lượng, xuất hiện sau các cuộc tấn công phá hoại xảy ra ở cả vùng biển Arab và Vịnh Arab nhằm vào chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Sau hội nghị này, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết các bộ trưởng đã cùng bày tỏ lo ngại trước những vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh và sẽ hợp tác để duy trì ổn định trên thị trường dầu.
Các động thái này được đưa ra khi ngày 13/6 vừa qua hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman, gần eo biển Hormuz. Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ việc, song Iran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ".
Eo biển Hormuz án ngữ trên tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Sự cố trên xảy ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản đang ở thăm Iran với sứ mệnh làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Iran với Mỹ, đang khiến dư luận lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang./.