Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về tình hình Venezuela
Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng một lần nữa gây chia rẽ cộng đồng quốc tế. Trong khi những nước do Mỹ dẫn đầu khẳng định sự ủng hộ đối với Tổng thống tự xưng Juan Guaido, thì Nga tiếp tục bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro, chỉ trích mọi hành vi hòng gây sức ép hay ra tối hậu thư buộc Venezuela phải tổ chức bầu cử sớm.
Nhân vật đối lập Juan Guaido. Ảnh: Q Costa Rica. |
Với giọng điệu khá mạnh mẽ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 26/1 cảnh báo Tổng thống Venezuela không nên “thử thách quyết tâm của Mỹ” hay tấn công các nhà ngoại giao nước này. Trước đó, Tổng thống Venezuela đã ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, với cáo buộc can thiệp công việc nội bộ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ rời cuộc họp khá sớm nhằm tránh bài phát biểu của người đồng cấp Venezuela - Jorge Arreaza. Cả hai quan chức này tới nay chưa có bất kỳ cuộc tiếp xúc nào dù là trực tiếp hay gián tiếp. Phát biểu với báo chí sau khi rời cuộc họp, Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ hi vọng, những nước ủng hộ ông Juan Guaido nên chấm dứt các giao dịch tài chính với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Song song với phiên họp này của Liên Hợp Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Bồ Đào Nha cũng gửi một tối hậu thư tới Tổng thống Nicolas Maduro, yêu cầu nhà lãnh đạo này trong vòng 8 ngày phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm, nếu không sẽ công nhận nhân vật đối lập Juan Guaido là Tổng thống của Venezuela.
Chính phủ Venezuela ngay lập tức bác bỏ mọi tối hậu thư. Ngoại trưởng Jorge Arreaza cho rằng không một ai có quyền buộc Venezuela phải đi theo bất kỳ lộ trình nào hay buộc nước này phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm: “Chúng tôi cảm ơn chính phủ Mexico, Uruguay và Cộng đồng Caribe đã ủng hộ chúng tôi, mà không hề có ý định áp đặt. Không ai có quyền đặt ra cho chúng tôi những thời hạn, hay bảo chúng tôi phải tổ chức bầu cử hay không. Quyết định phải do chính người dân Venezuela đưa ra, cũng như chính phủ và những người đối lập có thiện chí.”
Trên thực tế, trong nội bộ Liên minh châu Âu cũng chia rẽ về vấn đề Venezuela. Trong khi Liên minh châu Âu thông báo sẽ triển khai những biện pháp phù hợp nếu các cuộc bầu cử không diễn ra trong những ngày tới, thì một số nước thành viên, mà tiêu biểu là Hy Lạp lại khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro. Chính phủ Nga cùng ngày chỉ trích những gì đang diễn ra hiện nay tại Venezuela là một “màn kịch” do những thế địch thù địch dựng lên, đồng thời kêu gọi chấm dứt hành vi can thiệp thô bạo vào công việc của một quốc gia có chủ quyền.
Trước đó, Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ đề xuất nhằm khẳng định sự ủng hộ đầy đủ đối với Tổng thống tự xưng Juan Guaido.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ và các đồng minh muốn lật đổ nhà lãnh đạo hợp hiến của Venezuela: “Tối hậu thư không phải là cách để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Chúng tô phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, cũng như bất kỳ tối hậu thư này. Điều chúng ta cần làm là tạo điều kiện cho các phe phái chính trị ở Venezuela giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình để khôi phục ổn định đất nước”.
Là một nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Guinea Xích đạo đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đóng vai trò trung gian hòa giải tại Venezuela, trong khi Trung Quốc yêu cầu tất cả các bên bình tĩnh.
Tới nay, Mỹ là nước duy nhất trong số 5 quốc gia ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống của Venezuela. Tại Caracas, Tổng thống Nicolas Maduro, với sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội hôm 26/1 kêu gọi đoàn kết nhân dân chống lại âm mưu đảo chính, hòng gây chia rẽ đất nước. Theo các tổ chức phi chính phủ, các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính quyền trung ương và phe đối lập đã làm ít nhất 26 người thiệt mạng trong 4 ngày qua và hơn 350 người bị bắt giữ./.