Học sinh, sinh viên TPHCM mong cải tiến môi trường học tập
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM trò chuyện cùng học sinh, sinh viên. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Mai Hải Yến, Phó bí thư Đoàn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cho biết, chương trình học hiện nay khá nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, thiếu các tiết dạy về kỹ năng mềm và ứng xử giao tiếp. Từ thực tế đó, học sinh này đề xuất có thêm nhiều tiết học về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện và trải nghiệm thực tế để qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.
Mai Hải Yến, Phó bí thư Đoàn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cùng ý kiến, Nguyễn Lưu Ngọc Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) cho rằng, hiện nay ở trường phổ thông đang thiếu các tiết dạy về kỹ năng thực hành, học sinh chỉ được nghe báo cáo viên cung cấp kiến thức mà ít cơ hội đi ra ngoài, thậm chí không được xuống sân trường vì giờ học chủ yếu ngồi ở trong lớp. Do đó, học sinh này kiến nghị ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, tăng cường thêm các hình thức học tập trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh.
Nguyễn Lưu Ngọc Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Còn Phan Ngọc Thảo Vy, học sinh Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) dành nhiều quan tâm đến chương trình học tiếng Anh ở trường phổ thông hiện nay.
Thảo Vy cho biết, với điều kiện một lớp học có sĩ số 45 học sinh, giáo viên rất khó tương tác với học sinh. Chưa kể chương trình học hiện nay mới chú trọng hai kỹ năng đọc, viết mà chưa quan tâm nghe, nói. Chương trình học tiếng Anh qua 12 năm phổ thông có rất nhiều nội dung lặp lại rất lãng phí.
Riêng Nguyễn Ngọc Anh Phú, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) chia sẻ, với cách học và kiểm tra, đánh giá học sinh hiện tại, cứ thi xong là học sinh quên hết kiến thức. Do đó, học sinh này kiến nghị ngành giáo dục nên phát triển nhiều hơn nữa các hình thức đánh giá học sinh đa dạng, bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tạo động lực học tập cho học sinh.
Toàn cảnh buổi gặp gỡ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ở góc độ khác, bạn Phan Công Đức, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Đức cho biết hiện nay có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, các dự án đổi mới, sáng tạo chỉ dừng lại ở cuộc thi, sau cuộc thi học sinh, sinh viên không phát triển được dự án của mình. Vì vậy, để có thể phát triển cao hơn và xa hơn các dự án khởi nghiệp, Đức mong các cấp lãnh đạo TP tạo thêm điều kiện phát triển các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Huỳnh Tuấn Khương, Chủ tịch Hội sinh viên, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) lo ngại về vấn đề thực hành của sinh viên ở các doanh nghiệp.
Khương cho biết, nhiều ngành đào tạo hiện nay, sinh viên đến học kỳ 2 năm thứ tư mới được thực tập nên khó phát triển kỹ năng ngành nghề. Bên cạnh đó, hiện nay sinh viên chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung nên phải mua dữ liệu từ doanh nghiệp, tự tìm kiếm các nguồn tài liệu trả phí trên mạng.
Từ thực tế đó, sinh viên này mong TP xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng cường các chương trình bồi dưỡng, tìm kiếm nhân tài từ các trường đại học để đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện cho người trẻ phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển của TP.
Đáp lại những băn khoăn này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, hàng năm TP đưa thêm vào sử dụng hơn 1.500 phòng học. Tuy nhiên, về phòng thực hành, thí nghiệm hiện nay mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản. Nhằm phát triển tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh, TP đang triển khai các dự án trường học thông minh, trong đó có xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại và điều kiện học tập tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều trường học hiện nay đã tăng cường các tiết học trải nghiệm, chương trình kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, tổ chức các tiết học ngoài nhà trường ở sở thú, bảo tàng, rừng ngập mặn... Tuy nhiên, do chương trình văn hóa hiện nay khá nặng nên chiếm hầu hết thời gian lên lớp, tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế.
Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm nhiều giải pháp để tăng thời lượng học ngoài nhà trường, đưa thêm các nội dung dạy kỹ năng để tạo điều kiện phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh./.