Hoá chất, thuốc trừ sâu ồ ạt vào Việt nam
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/4, kim ngạch nhập khẩu hoá chất và sản phẩm hoá chất đã tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,2 tỷ USD, tăng hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng hơn 57% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Thuốc trừ sâu, hoá chất đang tăng nhập về Việt Nam (ảnh minh hoạ) |
Đáng lưu ý, 1/5 kim ngạch nhập khẩu hoá chất và sản phẩm hoá chất về Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giá trị nhập khẩu hoá chất từ nước này về Việt Nam tính đến nay vẫn giữ tương ứng như các năm trước.
Trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu hoá chất về Việt Nam trong thời gian qua vượt cả kim ngạch nhập khẩu của xăng dầu (1,8 tỷ USD) - mặt hàng được nhập khẩu tiêu dùng nhiều nhất. Thậm chí, kim ngạch nhập hoá chất còn vượt qua kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày (1,4 tỷ USD), ngành có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 3 tại Việt Nam và tiệm cận với kim ngạch của mặt hàng sắt thép gần 2,8 tỷ USD, ngành đang gia tăng về lượng và giá trị nhập khẩu về Việt Nam.
Đây mới chỉ là con số thống kê được qua đường chính ngạch, chưa kể một lượng lớn hoá chất được nhập theo đường tiểu ngạch, không có thống kê.
Theo giải thích của Tổng cục Hải quan, nhập hoá chất đứng đầu là các doanh nghiệp thép, dệt may (nhuộm, dệt...), sản xuất nhựa và sản xuất vật liệu xây dựng và phân bón... Hiện hoá chất và sản phẩm hoá chất được "liệt" vào một trong những mặt hàng nhập khẩu thuộc diện đặc biệt quản lý sát sao và có điều kiện.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhập khẩu hoá chất về Việt Nam tăng cao do trong nước chưa đáp ứng được nguồn cung, đây là điều bình thường. Nhưng bất thường ở chỗ nhóm hoá chất được số các doanh nghiệp thép, dệt may, giày da đang tăng cường nhập về Việt Nam.
"Số các nhà máy thép sử dụng hoá chất để sử dụng trong quá trình xử lý chất thải công nghệ cũ đang gây lo ngại cho môi trường. Gần đây, lại nổi lên hiện tượng nhiều nhà máy dệt, nhuộm vải, nguyên liệu may mặc từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đổ sang Hà Nam, Hưng Yên đầu tư. Cái lo ngại nhất là họ nhập khẩu lượng lớn hoá chất tẩy rửa vải về Việt Nam, gây hiểm hoạ cực lớn đến môi trường, trong khi chế tài đối với môi trường của Việt Nam vẫn quá thấp. Đồng thời nhiều tỉnh vẫn "tặc lưỡi" "gật đầu" cho các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao đầu tư để lấy thành tích tăng trưởng", chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.
Một mặt hàng khác là thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, tính hết ngày 15/4, cả nước đã chi 264 triệu USD nhập khẩu sản phẩm này, tăng hơn 64 triệu USD, tức tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 40% kim ngạch mặt hàng này là từ Trung Quốc.
Việc thuốc trừ sâu và nguyên liệu mặt hàng này gia tăng về Việt Nam là do trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu để ngăn ngừa cái đại dịch.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu nhiều thuốc trừ sâu về Việt Nam cũng do một phần thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu cho sản phẩm hoa màu, cây trồng. Tỷ lệ sử dụng thuốc trừ sâu trong: rau xanh, lúa, dưa hấu, các loại rau quả, hoa màu... tại nhiều địa phương ở Việt Nam vẫn đáng báo động. Trong đó nhiều loại hoá chất diệt trừ cả những loài thiên dịch như ong, cá và côn trùng có lợi, gây mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến nguồn nước, khí hậu và chất lượng sống của con người.
Về thuốc chữa bệnh, tính đến hết ngày 15/4, cả nước chi hơn 829 triệu USD nhập khẩu nhiều loại dược phẩm và nguyên liệu dược phẩm về Việt Nam, tăng 32 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mỗi ngày người Việt chi khoảng 180 tỷ đồng nhập thuốc chữa bệnh, con số cao hơn 7 tỷ đồng so với số tiền trung bình cùng kỳ năm 2016.