Hành trình cứu bệnh nhi tuyến trên "trả về"
Bác sĩ Kiên thăm khám cho bệnh nhi Đoàn trước khi xuất viện |
Bệnh nhi Bùi Văn Luận (sinh năm 2009, trú tại xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) có tiền sử phát triển tinh thần, vận động bình thường. Cách đây 2 năm, cháu bắt đầu có biểu hiện yếu tay chân, hạn chế đi lại, cơ toàn thân teo dần. Biểu hiện này nặng dần, gây teo các cơ hô hấp dẫn đến khó thở, suy hô hấp. Tháng 9-2016, cháu bé được chẩn đoán hẹp ống sống đoạn cổ sau 1 tháng nằm thở máy tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục thở máy thêm 1 tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương và tới tháng 10-2016 chuyển về điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi (khoa Nội Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh) điều trị tiếp trong tình trạng teo cơ toàn thân, liệt tứ chi, suy hô hấp, tiên lượng phải thở máy lâu dài.
Bác sĩ Nguyễn Chí Kiên, Phó Trưởng khoa Nội Nhi, trưởng Đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi nhận định: Khi tiếp nhận, tình trạng sức khỏe cháu Luận rất yếu, sau mổ hẹp ống sống cổ, tủy của cháu bị phù nề nặng, các cơ trong cơ thể lại gần như bị teo hết, trong đó các cơ hô hấp cũng bị teo hoàn toàn, khả năng cai máy thở cho Luận là gần như không. Tập thể y bác sĩ toàn Đơn nguyên chỉ biết cố gắng, nỗ lực hết sức trong trong công tác chăm sóc, điều dưỡng và chống nhiễm khuẩn tốt nhất.
Đối với những trường hợp thở máy dài ngày như cháu Luận, nguy cơ rất cao bị viêm phổi do thở máy, thậm chí có khả năng bị nhiễm trùng huyết từ những vi khuẩn có khả năng kháng thuốc. Nếu không may nhiễm phải thì nguy cơ cháu không qua khỏi là rất cao.
Bắc sĩ Kiên cho biết thêm, đối với những trường hợp phải thở máy dài ngày, ngoài các thông số được cài đặt sẵn trong máy thở thì việc thực hiện đúng chế độ chăm sóc, trực tiếp theo dõi bệnh nhân tại giường bệnh là hoạt động quan trọng nhất. Vì vậy, các cán bộ trong Đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi đã theo dõi sát sao tình hình, diễn biến của bệnh nhân Luận, phối hợp với gia đình có kế hoạch chăm sóc cụ thể trong phòng chống nhiễm khuẩn, chống loét, nuôi dưỡng dinh dưỡng và vận động thể lực…
Sau 3 tháng trường kỳ thở máy và điều trị tích cực, cháu bé bắt đầu có biểu hiện cử động tay, tăng cân, có nhịp tự thở tiên lượng có khả năng cai thở máy được. Bệnh nhi Luận được các bác sĩ cho tập cai máy từ giữa tháng 1 vừa qua, đến nay đã có thể tự thở tốt và cai máy hoàn toàn.
Ngày 14/3, chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiên - bà ngoại cháu Luận vui mừng cho biết “Năm 4 tuổi, cháu tôi vẫn đi học mẫu giáo bình thường, tự dưng cháu đi đường bằng cũng ngã, rồi cháu yếu dần, liệt nửa người. Mấy năm trời đưa cháu đi khắp nơi khám mà không ra đúng bệnh. Lúc được đưa từ Bệnh viện Nhi T.Ư về đây, cháu đã bị liệt hoàn toàn, đầu ngoặt hẳn ra phía lưng, không cử động được. Do nằm nhiều, cháu bị loét hết phần sau gáy và mông, ăn không tiêu…
Hết hy vọng, có giai đoạn gia đình sẵn sàng lo hậu sự cho cháu rồi. Vậy mà hôm nay, cháu được ra viện, có thể giơ tay chào, cử động nhẹ nhàng, nói được vài câu thể hiện ý muốn và bước đầu ngồi dậy được tôi lại thấy cuộc đời cháu có thêm tia hy vọng. Tôi sẽ lại kiên trì giúp cháu bắt đầu lại cuộc sống bằng tập phục hồi chức năng, mong sao biến ước mơ đi học trở lại của cháu trở thành hiện thực”.
Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Ngô Thị Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh cho biết: chế. Từ khi đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi được thành lập vào tháng 5/2016, được trang bị 3 máy thở hiện đại, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận và thực hiện thở máy cho những bệnh nhi có chỉ định. Tuy nhiên, thở máy dài ngày lên đến vài tháng, thậm chí nửa năm như bệnh nhi Luận thì đây là trường hợp đầu tiên. Việc thực hiện thở máy dài ngày thành công và “cai” được thở máy cho bệnh nhân này có ý nghĩa lớn. Đối với gia đình người bệnh, cháu bé sẽ sớm được phục hồi chức năng vận động và dần hòa nhập với cộng đồng. Đó cũng là niềm vui của đội ngũ cán bộ y tế.