Hành trang xuất ngũ
Chiến sĩ Lục Văn Quân, người dân tộc Mông sau thời gian trong quân ngũ đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng (người gần nhất trong ảnh). |
Khác hẳn với vẻ non nớt, bỡ ngỡ của những ngày đầu ngập ngũ, chàng trai trẻ Lục Văn Quân, người dân tộc Mông, quê ở xóm Vằng Lình, xã Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã rắn rỏi hơn rất nhiều. Cùng với các chiến sĩ khác, sau khi nhập ngũ, Lục Văn Quân không chỉ được huấn luyện về các nội dung thuộc khoa mục Quân sự mà còn được giáo dục về chính trị, tư tưởng, về truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như của đơn vị. Bởi vậy, khao khát được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành động lực để Quân phấn đấu, luyện rèn. Và giờ đây, anh đã trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam
Trung sỹ Lục Văn Quân, Đại đội 10, Trung đoàn Bộ binh 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1 vui mừng chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi xuất ngũ về địa phương, tôi sẽ cố gắng phấn đấu và rèn luyện để góp sức bé nhỏ của mình để xây dựng và phát triển quê hương”.
Trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những hành trang quý giá nhất của Quân khi xuất ngũ. Còn đối với Dương Văn Hiếu, quê ở xóm La Lương, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, 2 năm trong quân ngũ đã giúp bản thân anh trưởng thành và có định hướng tương lai rõ ràng. Bằng sự ham học hỏi của bản thân cùng sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của chỉ huy đơn vị, sau những giờ huấn luyện, Hiếu lại được thỏa sức sáng tạo với các tác phẩm đắp phù điêu, linh vật, bồn hoa, tạo dáng cây cảnh. Sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động, cộng với có nghề thành thục trong tay, Hiếu hoàn toàn có thể tự tin vào những dự liệu cho tương lai sau khi rời quân ngũ.
Trung sỹ Dương Văn Hiếu (người gần nhất trong ảnh) đang cùng đồng đội thực hiện các tác phẩm phù điêu. |
Trung sỹ Dương Văn Hiếu, Đại đội 10, Trung đoàn Bộ binh 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1 tâm sự: “Sau 2 năm rèn luyện tại đơn vị, tôi cảm thấy mình có bản lĩnh chính trị vững vàng, có được sức khỏe thể lực tốt để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài những nội dung về huấn luyện thì tôi còn được học thêm ở các đồng chí, đồng đội mình về đắp phù điêu, đắp sinh vật. Tôi thấy rằng, đây là một nghề để sau này trở về quê hương có thể phát triển thêm. Vì hiện tại bản thân tôi rất yêu thích nghề này và tôi muốn làm nghề này để phát triển kinh tế của gia đình trên quê hương của mình sau này”.
Riêng đối với Đào Văn Hải, người dân tộc Mông, anh sinh ra và lớn lên ở xã Hà Trì, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cộng với đường tới trường quá gian nan nên mới học lớp 7, Hải đã phải nghỉ học ngang chừng đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ. Được nhập ngũ, môi trường quân đội ban đầu lạ lẫm nhưng cũng như một giấc mơ đối với chàng trai này. Lần xuất ngũ này, ngoài những kiến thức, kỹ năng sống và bản lĩnh trong cuộc sống. Cùng với số tiền trợ cấp xuất ngũ, Đào Văn Hải đã dành dụm được 1 khoản tiền phụ cấp trong thời gian tại ngũ. Số tiền này sẽ là hành trang để Hải mang về xây dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đại úy Nguyễn Quốc Tùng, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1 khẳng định: “Trong quá trình huấn luyện, cán bộ các cấp đã đào tạo và làm tốt công tác tuyển chọn, tạo nguồn. Ví dụ tạo nguồn phát triển đảng viên với những đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ. Song song với đó là hướng nghiệp, học nghề cho anh em. Tôi tin tưởng rằng, tất cả các đồng chí trong quân đội nói chung và đơn vị chúng tôi nói riêng, các đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ đã qua môi trường quân đội - là một trường học lớn, thì sau này khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương đều là công dân tốt, nhiều đồng chí sẽ là cán bộ chủ chốt ở cơ sở sau này”.
Với những hành trang quý giá đó, tin tưởng rằng những quân nhân xuất ngũ trở về địa phương sẽ tiếp tục là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận mới và kiến tạo cho mình tương lai tương sáng./.