Hàng điện tử và dệt may Việt Nam thêm cơ hội từ chiến tranh thương mại
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến cơ hội cho ngành hàng lắp ráp điện thoại di động, hàng điện tử và dệt may của Việt Nam.
Việt Nam có thể hút thêm vốn FDI
Cụ thể, theo BVSC, năm 2017, trong top 10 các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì có đến 8 mặt hàng thuộc nhóm hàng điện thoại di động, đồ điện tử và thiết bị viễn thông. Tổng giá trị xuất khẩu của 8 nhóm hàng này là khoảng 256 tỷ USD, bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Hàng điện tử và dệt may Việt Nam có thêm cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (Ảnh minh họa) |
Theo đánh giá của BVSC, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, quyết định đánh thuế lên các nhóm hàng này sẽ gây tác động ngược và người chịu thiệt hại chủ yếu vẫn là các công ty và người tiêu dùng Mỹ. Trong tương lai gần (khoảng 5 năm nữa), sẽ khó có nước nào trong khu vực có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong việc gia công hàng điện tử do những lợi thế như cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ rất phát triển ở nước này. Một vài sự chuyển hướng đầu tư của các Tập đoàn lớn ra khỏi Trung Quốc có thể diễn ra nhưng quy mô sẽ không quá lớn.
Riêng với mặt hàng điện thoại di động, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017 là 70 tỷ USD, chiếm 86% tổng giá trị điện thoại di động nhập khẩu vào
Mỹ. Top 5 nhãn hàng điện thoại di động được sản xuất ở Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là Apple, LG, ZTE, Motorola và Samsung. Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang lên mức toàn diện thì mặt hàng điện thoại di động cũng sẽ không tránh được việc bị áp thuế.
Đối với Samsung, Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất lớn nhất của Tập đoàn này với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm, theo sau là Trung Quốc với sản lượng 150 triệu chiếc/năm, tiếp theo là Ấn Độ (50 triệu), Hàn Quốc (40 triệu), Brazil (12 triệu) và Indonesia (8 triệu). Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang nên Tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra. Các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử gia dụng khác có thể cũng cùng chung xu hướng.
Dệt may Việt Nam có thêm thị phần
Đối với ngành hàng dệt may, BVSC phân tích: Năm 2017, thị trường Mỹ chiếm 17% tổng xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc trong khi 50% hàng may mặc tiêu dùng tại Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy có thể thấy ở nhóm hàng này, Mỹ ở vị thế phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Theo đánh giá của BVSC, việc thuế tăng lên sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất mặt hàng may mặc sang các nước khác nhằm tránh thuế. Các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia... sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương gần 50% tổng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10%.
BVSC cho rằng, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ hai khía cạnh. Thứ nhất là đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.
Thứ hai là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn. Tuy vậy, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang niêm yết trên sàn như TCM, GMC... sẽ được hưởng lợi nhưng mức độ có thể không quá đột biến.
Lý do là các doanh nghiệp này hiện đã chạy hết công suất cũng như chưa có kế hoạch đầu tư thêm trong ngắn hạn. Nếu lấy thêm được đơn hàng từ Mỹ, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải thuê gia công bên ngoài và chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp hơn./.