Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chuyển sang giai đoạn mới
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh ngày 14/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngay trước thềm đàm phán thương mại Mỹ-Trung, Washington đồng loạt gây sức ép đối với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền ở Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương và Tây Tạng, cho thấy Nhà Trắng dường như đang thay đổi sách lược trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại là quân bài nhân quyền một khi đã 'đánh' ra sẽ khó thu hồi lại và lịch sử tồn tại minh chứng rằng quân bài nhân quyền nhằm vào nước lớn đang trỗi dậy từng gây ra chiến tranh.
Theo tờ Economic Journal ngày 10/10, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ từng đố kị với sự bùng nổ kinh tế của Nhật Bản.
Vào thập niên 1980, với lý do bất bình đẳng thương mại, Mỹ đã phát động chiến tranh thương mại với Nhật Bản, sử dụng điều 301 trong Luật Thương mại làm vũ khí, bắt tay với phương Tây ép Nhật Bản ký Thỏa ước Plaza khiến đồng yen của Nhật Bản tăng giá mạnh. Hệ quả là kinh tế Nhật Bản sau đó đã rơi vào “thập kỉ mất mát."
Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong tình trạng chiến tranh thương mại, nhưng cuộc chiến do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động này liên tục leo thang.
Đó là do quan hệ Mỹ-Trung hiện nay không phải là quan hệ đồng minh như quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản.
Hơn nữa, thực lực của Trung Quốc về chính trị, công nghiệp và quân sự đều vượt xa Nhật Bản. Cho nên, Mỹ gần như không có khả năng ép Trung Quốc ký một thỏa thuận tương tự Thỏa ước Plaza.
Sự chia rẽ của xã hội Mỹ cũng khiến ông Trump càng khó thực hiện mong muốn người Mỹ chấp nhận “cơn đau tạm thời” để ủng hộ chiến tranh thương mại.
Do vậy, ông Trump dường như có ý điều chỉnh sách lược, hiệu triệu người dân Mỹ đoàn kết xung quanh ngọn cờ nhân quyền để đối phó với Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là tình hình hiện nay khá giống với cuộc đấu tranh trước khi xảy ra chiến tranh Mỹ-Nhật năm xưa.
Quan hệ Mỹ-Nhật bắt đầu xấu đi vào thập niên 1930. Nhật Bản xâm lược Trung Quốc và thực hiện hành động thảm sát bị cộng đồng quốc tế lên án.
Các nước phương Tây cũng lo ngại Nhật Bản sẽ đe dọa tới thuộc địa của mình ở Đông Nam Á, thách thức vị trí bá chủ Thái Bình Dương của Mỹ. Chính phủ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt dần dần thắt chặt bao vây kinh tế đối với Nhật Bản, cũng dưới ngọn cờ mang tính chất đạo đức.
Năm 1930, Mỹ tuyên bố rút khỏi Điều ước Thông thương hàng hải Mỹ-Nhật, chấm dứt quan hệ thương mại tự do với Nhật Bản.
Năm 1940, Mỹ thông qua Luật Quản lý xuất khẩu, cấm bán cho Nhật Bản một loạt chất hóa học, linh kiện máy bay, quặng mỏ… mà không được sự đồng ý của chính phủ.
Cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Nhật Bản trước thềm chiến tranh đạt tới cao trào vào năm 1941 khi ông Roosevelt sử dụng quyền lực khẩn cấp đóng băng tài sản của Nhật Bản, hạn chế xuất nhập khẩu và giao dịch tài chính, tiếp đó là cấm vận dầu mỏ đối với Nhật Bản, nhằm bóp nghẹt kinh tế Nhật Bản.
Các nhà lịch sử phổ biến tin rằng khi đó, Mỹ đã sớm chi viện cho Anh chống lại phátxít Đức và cũng biết rõ sẽ không thể tránh được chiến tranh với Nhật Bản. Cho nên, Tổng thống Roosevelt đã cố ý lãnh đạo nước Mỹ thoát khỏi chủ nghĩa cô lập để tham chiến và điều mà Mỹ chờ đợi chỉ là phát súng đầu tiên từ phía Nhật Bản. Phát súng đó đã đến khi Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng vào tháng 12/1941. Đây cũng là mốc xác định việc Mỹ chính thức tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Với tình hình hiện nay, liệu rằng Mỹ-Trung có tránh được một cuộc chiến tranh?
Nếu so sánh có thể thấy trong cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, quân bài nhân quyền đã được đánh ra, đối tượng nước lớn đang trỗi dậy được thay thế bằng Trung Quốc. Trong chính sách Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ có thể nói đã có sự thống nhất hiếm có.
Cụ thể: Về phía chính quyền, trong khi có thông tin Nhà Trắng đang nghiên cứu khả năng dỡ bỏ niêm yết của các công ty Mỹ trên thị trường chứng khoán Mỹ và hạn chế các quỹ lương hưu Mỹ đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc, ngày 7/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết 28 công ty tư nhân và công lập sản xuất camera theo dõi, bao gồm gã khổng lồ Hikvision, được đưa vào danh sách đen tại Mỹ.
Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ hạn chế cấp thị thực đối với những quan chức liên quan đến việc "bắt giam hoặc lạm dụng" người Duy Ngô Nhĩ cũng như các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương. Lệnh này cũng ảnh hưởng tới các thành viên gia đình họ, gồm những người đang tìm cách du học Mỹ.
Về phía Quốc hội, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang xem xét và chuẩn bị thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, Dự luật Chính sách nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ cũng như Dự luật Chính sách và ủng hộ Tây Tạng 2019.
Nói tóm lại, với lý do nhân quyền, Mỹ đang tìm cách thúc đẩy trừng phạt, tấn công vào dòng đầu tư, kiềm chế sự phát triển của ngành công nghệ cao của Trung Quốc, gây ra phiền phức lớn hơn cho kinh tế Trung Quốc.
Mục đích của Mỹ là nhằm phối hợp, thúc đẩy với nghị trình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
“Khai chiến với Trung Quốc trong 10 năm” là chủ trương của các nhân vật cực hữu ở Mỹ mà cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steven Bannon làm đại diện.
Tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay ngày càng giống với tình hình quan hệ Mỹ-Nhật trước khi chiến tranh bùng nổ giữa Mỹ và Nhật Bản khó tránh việc khiến dư luận lo ngại. May mắn là ông Trump có thể không giống với ông Roosevelt.
Bởi chủ trương chính sách “Nước Mỹ trên hết” về bản chất là một loại chủ nghĩa cô lập.
Hơn nữa, mức độ chịu đựng của kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Nhật Bản khi xưa. Hai nhân tố này làm tăng khả năng Mỹ-Trung tránh được “bẫy Thucydides,” nguy cơ dẫn tới chiến tranh giữa cường quốc hiện tại và cường quốc mới nổi./.
Hà Ngọc (TTXVN/Vietnam+)