Hai nam sinh trường huyện “đưa” tiếng M’Nông vào điện thoại
Cuối tháng 12/2017, K’Brắk (dân tộc Mạ) và Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 10B, Trường THPT Đắk G’Long (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) vẫn đang tất bật với kỳ thi cuối học kỳ I. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cả hai cùng ngồi lại với nhau để hoàn thiện cuốn “Từ điển mini tiếng M’Nông” mà hai nam sinh này đang ấp ủ từ lâu. Sắp tới, đề tài khoa học do K’brắk và Nam làm chủ nhiệm sẽ đại diện cho tỉnh Đắk Nông tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2017- 2018.
Hai nam sinh trường huyện tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu từ vựng M’Nông |
Điều đặc biệt là cuốn từ điển “mini” do hai nam sinh trường huyện thực hiện không phải là bản giấy truyền thống mà nó được “số hóa”, trở thành một ứng dụng trên hệ điều hành android. Đề tài khoa học “Từ điển tiếng Việt- tiếng M’Nông trên hệ điều hành android”, trước đó đã được Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đánh giá cao vào trao giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi cấp tỉnh.
K’Brắk, cậu học trò người Mạ sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cao nguyên còn nhiều khó khăn cho biết, hiện nay đồng bào Mạ chưa có chữ viết. Tuy nhiên do tiếng nói gần giống với tiếng M’Nông nên em đã sử dụng vốn từ vựng và hiểu hiết của mình cùng với Nam lập trình phần mềm, hy vọng sẽ phục vụ cho những người có nhu cầu học tập và làm việc liên quan đến tiếng M’Nông, tiếng Mạ tại các tỉnh Tây Nguyên.
K’Brắk cho biết thêm, thực tế hiện nay trên thị trường và ở các thư viện chỉ có khoảng 2-3 tài liệu song ngữ tiếng Việt- M’Nông, và rất khó khăn để tìm kiếm một cuốn tài liệu 100% tiếng M’Nông. Đặc điểm chung của những tài liệu này là đều bằng giấy, có những cuốn dung lượng và trọng lượng khá lớn, gây khó khăn trong việc đọc, nghiên cứu hoặc mang theo.
Để có sản phẩm tương đối như ngày nay, cả ba thầy trò đã rất nhiều lần thất bại |
Hơn nửa năm trước, Nam và K’Brắk đã lập trình một phần mềm từ điển “mini” Việt - M’Nông, trên điện thoại Android 4.0 trở lên.
Nguyễn Văn Nam cho biết, hai em lập trình sản phẩm Từ điển tiếng Việt- M’Nông mini sử dụng phần mềm SQLite để tạo ra một file lưu trữ từ cần dịch là: luutru.Db nằm trong thư mục Assets của phần mềm từ điển Việt- M’Nông.
“Phần mềm SQLite cho phép người dùng rất dễ dàng chỉnh sửa và lưu lại nội dung, tạo điều kiện cho chúng em có thể bổ sung, sửa chữa và nâng cấp phần mềm của mình. Tuy nhiên nó lại có chút hạn chế là không chưa cho phép nhập vào toàn bộ các ký tự đặc biệt trong tiếng M’Nông. Hiên tại chúng em vẫn đang nghiên cứu vấn đề này để cập nhật vào cơ sơ dữ liệu trong các phiên bản tiếp theo”, nam sinh này cho hay.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện đề tài là làm sao nhập hết các ký tự, vốn từ vựng đồ sộ của tiếng M’Nông. Chính vì vậy, để có một phần mềm tương đối hoàn chỉnh như ngày hôm nay, các em phải sử dụng đến phần mềm Taynguyenkey (bộ gõ riêng dành cho ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên) và VNkey và một số phầm mềm chuyên dụng khác.
Thầy Văn Thành Đạt, giáo viên hướng dẫn đề tài này cho biết, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cả ba thầy trò phải mất gần nửa năm và rất nhiều lần thất bại. “Phần lớn sản phẩm thất bại đều gặp “nút thắt” về ngôn ngữ lập trình và nhập liệu. Sau mỗi lần thất bại, thầy trò đều ngồi lại với nhau để tìm ra khuyết điểm để có được sản phẩm thành công nhất”.
Ứng dụng Từ điển Việt- M’Nông trên kho ứng dụng android |
Trong khi đó, chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình thực hiện phần mềm này, Nguyễn Văn Nam cho biết, trong trường các em chỉ được học ngôn ngữ Pascal. Cả hai học sinh này đều không học qua lớp đào tạo chuyên nghiệp, trong quá trình làm gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những hạn chế này, phần lớn các em tự học trên các trang mạng, tài liệu liên quan đến ngôn ngữ lập trình Java. “Vì bản chất của phần mềm là game”, Nam giải thích thêm.
Thông tin thêm về sản phẩm “Từ điểm mini Việt- M’Nông”, thầy Đại cho biết, nhóm sử dụng Android studio dùng để lập trình. Sau khi hoàn thành cơ bản phần mềm từ điển này đưa lên kho ứng dụng, liên tục cập nhập phiên bản mới nhất và hoàn chỉnh nhất. Cho đến nay phần mềm được cập nhật khoảng 10.000 từ, khi tra 1 từ tiếng M’Nông, người dùng sẽ nhận được giải thích nghĩa, giải thích cách dùng và từ loại…
Phần mềm được cập nhật khoảng 5.000 từ, trong tương lai 10.000 từ (ảnh chụp màn hình) |
“Mục tiêu của Từ điển tiếng Việt- tiếng M’Nông mini là tạo điều kiện học tập mọi lúc mọi nơi, dành cho mọi người nên đã sử dụng ở trạng thái “offline”. Phần mềm có dung lượng gần 13MB là tương đối nhỏ, không chiếm nhiều dung lượng bộ nhớ của điện thoại. Kết quả sử dụng phần mềm được người dùng đánh giá trên kho ứng dụng với số điểm tương đối cao, rất thích hợp cho cán bộ giảng dạy tiếng M’Nông…”, hai nam sinh lớp 10 cho hay.
Phan Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk G’Long khẳng định, đề tài Từ điển tiếng Việt- M’Nông mini có giá trị khoa học và ứng dụng rất cao. Đây cùng là công trình đạt giải cao nhất mà ngôi trường vùng cao này đạt được cho tới thời điểm này, nên nhà trường hy vọng sau khi được cải tiến, nâng cấp sản phầm sẽ phục vụ đắc lực cho việc dạy và học tiếng M’Nông tại các tỉnh Tây Nguyên.