Phòng học nằm trên đỉnh đồi, trung tâm cho trẻ khuyết tật “không dám” nhận trẻ khuyết tật?
Theo dự kiến, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông bắt đầu đi vào hoạt động và tuyển sinh từ năm học 2016-2017. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của nhà trường không đảm bảo, nên việc tuyển sinh phải lùi lại 1 năm, tức là sang năm học 2017-2018 mới bắt đầu dạy và học. Lý do là bởi, trường được xây dựng trên đỉnh một quả đồi, đường lên đến các phòng học có độ dốc lớn và xung quanh không có hàng rào bao.
đoạn đường từ phòng học xuống cổng trung tâm có độ dốc lớn |
Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc trung tâm cho biết, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được thành lập ngày ngày 10/3/2015 và đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm học 2017 - 2018.
Trung tâm có vốn đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông là chủ đầu tư, triển khai thi công từ năm 2015. Ngay từ khi có chủ trương xây dựng, trung tâm được hy vọng trở thành địa điểm tin cậy để hỗ trợ trẻ em bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giúp em sớm hòa nhập, học tập chung với những trẻ bình thường khác.
Ban đầu do không có hàng rào nên trung tâm phải xin lùi thời gian đi vào hoạt động |
Tuy nhiên năm 2016, khi mới về tiếp quản trung tâm, nhận thấy nếu đi vào hoạt động ngay thì có thể trẻ sẽ bị té ngã từ trên đỉnh đồi xuống nên thầy Ảnh đã xin “lùi” thời gian tuyển sinh. Trong thời gian đó, thầy Ảnh đã đề nghị tỉnh Đắk Nông đầu tư xây thêm hàng rào bao quanh các lối đi và bao quanh trường học để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Thầy Ảnh cho biết, ngoài việc không có tường rào, hàng rào bao quanh thì việc các phòng học, phòng chức năng của trung tâm được xây dựng trên cao khiến việc tuyển sinh cũng gặp bất cập. Theo quy định, độ nghiêng của đường đi không quá 5%, tuy nhiên độ nghiêng thực tế lại là 22 % nên trung tâm không thể tuyển sinh số lượng lớn và tiếp nhận trẻ khuyết tật vận động và trẻ khiếm thị.
Độ dốc thực tế là hơn 20%, trong khi theo quy định là không quá 5% khiến việc tuyển sinh khó khăn |
“Đoạn đường từ cổng trường vào đến phòng học chỉ dài có vài chục mét nhưng độ dốc quá lớn nên không thể dùng xe lăn được. Cả đoạn đường cũng không có bậc thang, trong khi một bên là vực sâu nên chúng tôi không dám tuyển sinh trẻ khuyết tật vận động, trẻ khiếm thị. Năm học vừa qua, trung tâm nhận được hơn 100 hồ sơ xin vào, tuy nhiên trung tâm chọn lọc, chỉ dám nhận 36 cháu, các cháu này đều đi lại được, trong đó chủ yếu là các trường hợp bị câm, điếc và chậm phát triển trí tuệ. Trên thực tế, quy mô dự kiến của trung tâm là hơn 100 cháu chứ không phải chỉ có 36 cháu như hiện nay”, thầy Ảnh cho hay.
Các phòng học nằm ngay trên đỉnh đồi cao hơn hàng chục mét so với mặt đất |
Theo chia sẻ vui của các giáo viên trong trung tâm, nếu nhận trẻ khuyết tật vận động, có lẽ trung tâm nên lắp cáp treo để chuyển các cháu từ dưới cổng trường lên đến các phòng học. Bởi không thể sáng nào, giáo viên của trung tâm cũng leo lên leo xuống đẩy hàng chục cháu từ dưới lên đến đỉnh đồi.
Đường lên các phòng học |
“Việc đảm bảo an toàn cho các cháu khi di chuyển từ phòng học, phòng ăn xuống phòng nội trú đã rất khó khăn, bởi lẽ một số cháu gặp vấn đề về nhận thức nên không đi theo yêu cầu của giáo viên. Vì lo sợ trong quá trình di chuyển, các cháu sẩy chân ngã xuống đất nên trung tâm mới đề nghị lắp hàng rào chắn, việc này giúp chúng tôi yên tâm hơn một chút. Tuy nhiên, đối với những cháu tăng động, các cháu có thể không hợp tác với thầy cô, các cháu hoàn toàn có thể trèo rào và nhảy xuống được”, một giáo viên của trung tâm cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, theo thiết kế, trung tâm không nhận trẻ khuyết tật vận động, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thị mà chỉ nhận trẻ câm điếc. Theo ông Toàn, mục đích của trung tâm là giáo dục hòa nhập, nên chỉ đủ điều kiện dạy trẻ câm, điếc để đưa các bé này sớm về với cộng đồng, học chung cùng các học sinh bình thường.
"Qua kiểm tra, đơn vị cũng nhận thấy cơ sở vật chất tại trung tâm có một số bất cập nên Sở đã xin kinh phí để lắp đặt hàng rào, đảm bảo an toàn cho trẻ. Mới đây đơn vị này cũng chủ trương gia cố lại bờ kè, tránh sạt lở nhưng vẫn chưa được cấp kinh phí", ông Toàn cho hay.