Giữ gìn nghề làm diều truyền thống
Ông Phạm Văn Chiến, Xã Hà Châu, huyện Phú Bình với niềm đam mê chơi diều tử thủa bé. |
Ở xã Hà Châu, không ai không biết đến ông Phạm Văn Chiến, vì đam mê chơi diều từ thủa ấu thơ, tới nay khi đã về già, tình yêu diều của ông Chiến vẫn không thay đổi. Ông dành thời gian nghiên cứu, tính toán một cách khoa học để tìm ra công thức chuẩn, nhằm đơn giản hóa các công đoạn làm diều, giúp cánh diều bay cao hơn, tiếng sáo trong và vang xa hơn. Hơn 50 năm gắn bó với diều và sáo diều, trong ông Chiến vẫn giữ nguyên vẹn những hồi ức của tuổi thơ.
Ông Phạm Văn Chiến, Xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vui mừng chia sẻ: "Tôi làm diều từ lúc 15 tuổi và đã làm được trên 100 con diều".
Điều đặc biệt, ông Phạm Văn Chiến và người dân xã Hà Châu làm diều không phải để buôn bán, mưu sinh, mà vì thỏa mãn thú chơi diều, nhất là mỗi khi mang diều đi giao lưu ở các lễ hội diều trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, những chiếc diều sáo độc đáo nơi đây không hề bị cuốn vào vòng xoáy của kinh tế thị trường.
Sáo diều - Trò chơi tuổi thơ của nhiều người. |
Anh Trần Văn Luận, Xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, chúng em vẫn theo nghề của ông bà tổ tiên để lại, làm ra những chiếc sáo và những chiếc diều để phục vụ anh em đam mê. Đây là trò chơi dân gian của rất nhiều trẻ em cần được giữ gìn".
Bé Gia Bảo, Xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cũng đam mê và yêu thích trò chơi sáo diều cho biết: "Con thường xuyên xem ông làm sáo diều, con yêu thích và con sẽ học làm sáo diều với ông".
Có người nói, diều của Việt Nam là loại diều thô sơ, mộc mạc, đơn giản, nhưng sự thật chiếc diều truyền thống của người Việt rất tinh tế, nhất là bộ sáo diều. Chính vì vậy, người làng Hà Châu luôn tự hào khi duy trì được nét văn hóa đặc sắc của làng quê mình./.