Giáo viên không được phân biệt học sinh lớp 1 biết và chưa biết chữ
Cụ thể, Sở yêu cầu các trường chú ý tổ chức các hoạt động để học sinh lớp 1 được tiếp nhận vào lớp, vào trường làm quen với thầy cô giáo, với bạn bè như: họp lớp giới thiệu làm quen, tổ chức đón học sinh mới,…
Nhà trường cần chuẩn bị chu đáo, đặc biệt, đối với cha mẹ trẻ có con lần đầu đi học, giáo viên cần dành thời gian hướng dẫn tỉ mỉ, nhẹ nhàng để gia đình yên tâm đưa con đến trường.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu giáo viên cần khích lệ, động viên, khen ngợi học sinh lần đầu đến trường, nhất là những em chưa biết chữ trước |
Trường học dành ít nhất một tuần lễ đầu năm học để hướng dẫn học sinh làm quen với lớp (trước khi vào chương trình) như chuẩn bị cặp, sách vở, đồ dùng học tập, chỗ ngồi... Qua đó dần dần giúp trẻ làm quen với không gian, nề nếp học tập ở lớp 1. Giáo viên tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm học sinh sợ hãi và cần thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp trẻ có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè... giúp học sinh tự tin và thích đi học.
Đặc biệt, khi vào chương trình, dạy những bài học đầu tiên, giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết đọc, viết; không bỏ qua bài học; cần hướng dẫn cách đọc, cách viết một cách tận tình và chu đáo cho từng học sinh.
Giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt bút và đặt vở, cách mở trang sách và đặc biệt là dạy học sinh về lời nói, cách xưng hô để trình bày một việc gì đó với thầy cô, trao đổi với bạn bè …
Khi đánh giá học sinh, giáo viên cần tập trung nhận xét bằng lời một cách chu đáo, chi tiết cụ thể, mang tính động viên, khuyến khích, khen ngợi và ghi nhận sự tiến bộ của học trò. Nhất là sự tiến bộ của học sinh chưa biết đọc, viết khi đến trường.
Đối với việc phân công giáo viên dạy lớp và xếp lớp cho học sinh, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý hiệu trưởng không nên bố trí giáo viên mới ra trường giảng dạy các lớp đầu cấp và cuối cấp. Việc phân công giáo viên dạy lớp phải công khai, minh bạch và có căn cứ để phù hợp với năng lực của giáo viên và đối tượng học sinh nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác chủ nhiệm và dạy học.