Giáo dục phổ thông còn nặng áp lực thi cử, học sinh yếu ngoại ngữ
Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều này được ghi nhận trong Báo cáo phân tích ngành Giáo dục: Giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
Kết quả PISA, Việt Nam nằm trong 20 nước có điểm cao nhất
Theo Báo cáo phân tích ngành Giáo dục, lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập của học sinh năm 2012 (PISA) và đứng trong số 20 quốc gia có điểm cao nhất (Toán: 17/65 quốc gia), Đọc hiểu:19/65 quốc gia, Khoa học: 8/65 quốc gia).
Kết quả này cho thấy phần nào chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học ở giáo dục phổ thông của Việt Nam trong việc tạo nền tảng về kiến thức và năng lực cho học sinh.
Việt Nam đã đạt được một số thành tích vượt trội về kết quả PISA, học sinh giỏi nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ở bậc giáo dục phổ thông (ảnh minh họa) |
Thành tích cao trong các kỳ Olympic quốc tế
Báo cáo phân tích nêu số học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao ở các môn dự thi gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Kể từ năm 2012, đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều đạt thành tích với tỷ lệ 100%. Số huy chương vàng cũng tăng dần qua các năm. Toán học và Vật lý và 2 môn mà học sinh giành được nhiều huy chương vàng hơn cả.
Những thành tích đạt được của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế đã cho thấy sự cố gắng của ngành Giáo dục trong việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh Việt Nam
Theo Báo cáo, kết quả đánh giá định kỳ cấp quốc gia đối với một số lớp đầu cấp và cuối cấp học như lớp 5, 6, 9, 11 nhằm theo dõi sự thay đổi về kết quả học tập của học sinh cho thấy: về tổng thể, tính trung bình, học sinh đều đạt được các chuẩn kiến thức – kĩ năng ở mức trên 50% ở các môn học.
Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với khu vực nông thôn và thành thị. Tỷ lệ học sinh DTTS thường đạt chuẩn ở các môn học thấp hơn học sinh dân tộc Kinh.
Ngoài ra, kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các môn học; so sánh kết quả giữa các môn học thì Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh Việt Nam.
“Đây là chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ về mặt kinh tế và thương mại” – Báo cáo phân tích cho hay.
Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp THPT tăng dần
Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp THPT tăng dần qua các năm, nhưng có sự khác nhau giữa các vùng miền.
Đưa ra nhận định này, Báo cáo phân tích ghi rõ: năm 2014, Việt Nam còn khoảng 16% học sinh THPT không hoàn thành cấp học. Điều này đỏi hỏi cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Áp lực thi cử vẫn là một rào cản ở các trường THPT
Theo Báo cáo, kết quả nghiên cứu tại 3 tỉnh thành tham gia khảo sát về việc triển khai hoạt động dạy học và phát triển năng lực ở một số lĩnh vực, như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác đã cho thấy:
Thứ nhất: Công tác chỉ đạo dạy học phát triển năng lực học sinh đã và đang được triển khai khá mạnh mẽ dưới nhiều hình thức đa dạng.
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo được tăng cường về năng lực quản lý và giảng dạy phát triển năng lực học sinh thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt về chất lượng tập huấn giữa các cấp và hiệu quả một số đợt tập huấn, bồi dưỡng còn hạn chế.
Như vậy, công tác chỉ đạo và chuẩn bị các điều kiện cho dạy và học phát triển năng lực cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo tính hiệu quả và xuyên suốt.
Thứ 2: Cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện dạy và học phát triển năng lực như phòng học, trang thiết bị và đặc biệt là tài liệu sách hướng dẫn còn thiếu, số học sinh trên lớp còn đông… chưa tương thích với phương pháp dạy và học mới.
Thứ 3: Áp lực thi cử, đặc biệt ở THPT là một rào cản trong việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT. Giáo viên vẫn tập trung nhiều vào việc cung cấp kiến thức cho học sinh, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Mặt khác, tâm lý và nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh vẫn nặng về thành tích điểm số.
Thứ 4: Nhà trường đã từng bước tạo được sự đồng thuận và ủng hộ từ phía cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội trong công tác giáo dục; trong đó có việc phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, sự phối hợp tham gia của các bên liên quan vào công tác phát triển giáo dục tại nhà trường còn hạn chế./.