Giáo dục Đại học: 'Chìa khóa' học tập suốt đời của người lớn
Đây là ý kiến được GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của trường Đại học với việc học tập suốt đời ở người lớn”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tại sáng nay 16/10 tại Thái Nguyên.
Tới tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ Đảng, Ban Dân vận TƯ và các đại biểu của các ban, ngành, các trường đại học, các Hội Khuyến học cả nước.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
“Chìa khóa” của Học tập suốt đời
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu vấn đề, hiện nay các trường Đại học (ĐH) là nơi cung cấp nguồn nhân lực cần thiết để phục vụ hầu hết yêu cầu mọi vị trí công tác tại các khu vực kinh tế. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có hệ thống giáo dục ĐH hoàn chỉnh trình độ chuyên môn chuẩn quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, phần lớn do chính các trường ĐH đào tạo ra.
Đồng thời, đối với các đối tượng cử nhân ĐH, học viên trường nghề hoặc những người chưa học qua trường lớp sau khi tốt nghiệp THPT..., giáo dục ĐH là nơi tạo ra cơ hội được học tập suốt đời, cập nhật các kiến thức, kỹ năng thường xuyên theo nhu cầu với mong muốn tìm kiếm và trau dồi tri thức mới, không ngừng học tập nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân để phục vụ công tác và cuộc sống.
GS Doan cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, tư duy về đào tạo của chúng ta vẫn chậm đổi mới so với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ thế giới. Cuộc cách mạng số sẽ gạt tất cả những ai kém hiểu biết, lười học tập sang một bên, giành chỗ cho những người đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc, do đó việc học để trau dồi tri thức lại càng trở nên cấp thiết”.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu. |
Do đó, GS.TS Doan chỉ ra các đối tượng có nhu cầu học tập là những người đang nắm giữ cương vị lãnh đạo muốn phát triển năng lực, trí tuệ, củng cố vị trí hoàn thiện mình để có uy tín trong tổ chức; những cán bộ đang công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp thì muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm phát triển bền vững bản thân và không muốn có sự cách biệt chuyên môn so với đồng nghiệp nhất là khi cạnh tranh về vị trí công việc đang diễn ra gay gắt hiện nay.
Theo GS Doan, những đối tượng giảng viên, sinh viên hay người đã về hưu muốn tìm đến các trường ĐH để đọc, nghe, học và tìm hiểu các chuyên đề phục vụ cho nghiên cứu, khởi nghiệp, tìm hiểu văn hóa ứng xử của người già hay học các môn về nâng cao sức khỏe... đòi hỏi các trường ĐH phải có chương trình thay đổi nhanh hơn phương pháp đào tạo theo hướng mở, gắn kết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần có của đất nước.
"Các trường ĐH tùy nhiệm vụ của mình và nhu cầu người học mà truyền tải kiến thức không ngừng tới mỗi đối tượng trong xã hội một cách hợp lý nhất, nhanh nhất, chính xác nhất" - GS Doan nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo. |
GS.TS Doan đưa ra mong muốn các trường phải có chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tự tạo môi trường giáo dục tốt hơn, tạo cơ hội học tập cho tất cả mình và mọi người.
Đồng thời, lượng giáo trình đa dạng cập nhật tri thức mới cùng các loại chương trình học tập linh hoạt cho thời gian vài ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm cho người học và nên phổ biến kiến thức theo kiểu cầm tay chỉ việc liên kết với nhiều trường ĐH trong, ngoài nước; với các doanh nghiệp xây dựng nên những lao động có tay nghề cao ngay từ khi đang đào tạo.
Giáo dục đại học theo hướng “mở”.
Bàn sâu hơn về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm tổng Thư kí TƯ Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, chúng ta cần nhận rõ rằng, lực lượng lao động chính của đất nước bao gồm hàng chục triệu người làm việc với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hiện đang chới với trong nắm bắt nhiều thành quả của khoa học và công nghệ mới. Nguy cơ tụt hậu so với các nước bạn ngày càng tăng.
Trong khi đó, mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông (THPT) từng bước được hoàn thiện, đến một thời điểm nào đó, thế hệ trẻ vào đời với học vấn xuất phát thấp nhất phải đạt trình độ THPT trở lên.
Do vậy ngay từ bây giờ người lao động nên đặt kế hoạch học tập suốt đời hướng vào những tri thức sau THPT để không bị làn sóng 4.0 nhấn chìm. Chính vì thế, việc định hướng nội dung học tập của người lớn trong giai đoạn trước mắt là gì trở thành vấn đề rất cơ bản mà trường đại học cần quan tâm, GS.TS Dong cho biết thêm.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TƯ Hội Khuyến học Việt Nam |
“Tôi cho rằng, các trường ĐH cần mở rộng việc chia sẻ tri thức mới cho người lao động đang tham gia các hình thức học tập thông qua trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa xã, câu lạc bộ… Đồng thời, sẽ là cấu nối liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức trong việc cập nhật thường xuyên xu hướng, kĩ năng và tay nghề phù hợp với từng thời điểm”.
GS.TS Dong nhấn mạnh, những ai đã qua giai đoạn giáo dục ban đầu đều có thể là đối tượng phục vụ của trường đại học, khi đó hệ thống ĐH cũng sẽ là hệ thống giáo dục tiếp dục dành cho người lớn một cách “mở” về đối tượng, thời gian, môn học… hệ thống giáo dục ban đầu không thể và không bao giờ làm được việc này, chỉ có trường ĐH mới là nơi phát huy được tối đa những năng lực trong mỗi con người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham quan các mô hình sinh viên sáng tạo tiêu biểu. |
“Chính vì lý do trên, chúng ta phải chú ý đến xu thế phát triển của nền giáo dục hiện đại trên thế giới để xác định những giải pháp xây dựng hệ thống đại học trong sự gắn kết với việc học tập suốt đời của người lớn. Việc đào tạo theo hướng cơ chế mềm dẻo, không hạn chế đầu vào, không định hướng văn bằng, hướng việc học vào yêu cầu đáp ứng chất lượng công việc, không tạo ra những rào cản trước việc học hành của người lớn” - GS.TS Dong khẳng định.
GS.TS Dong đề nghị, cần nâng cao tính tự chủ của trường đại học, đề cao sự tự chủ trong chiến lược xây dựng xã hội học tập với tư cách là một mô hình giáo dục mở với đúng nghĩa là mô hình bảo đảm cho người dân nào cũng được học tập suốt đời là điều cần làm ngay không chần chừ.