Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Khu vực điều tiết nước ở một số địa phương huyện Đại Từ.

Đại Từ là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận thiên tai, ở các khu vực chân dãy Tam Đảo, dưới chân núi Hồng thường xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét. Gần nhất, năm 2023, mưa lốc gây tốc mái hơn 600 nhà dân và ngập úng, sạt lở, thiệt hại ước tính khoảng 9,5 tỷ đồng. Lũ về nhanh và sạt lở cũng thường xuyên đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Chính vì vậy xác định nguy cơ và chủ động phòng tránh là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ thông tin: "Những năm gần đây Nhà nước đã đầu tư những các cây cầu và đã giảm thiểu lũ lụt xảy ra. Tuy nhiên đường vào các nhánh còn tràn mưa lâu ngày sẽ gây ngập úng gây khó khăn cho việc đi lại".

Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: "Theo phương châm bốn tại chỗ chỉ ra cụ thể từng nguy cơ đối với từng loại thiên tai từ đó chúng tôi có phương án cho từng nội dung cụ thể".

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các công trình thuỷ lợi mùa mưa bão.

Để giảm thiểu nguy cơ, thì việc vận hành các công trình thủy lợi lớn, điều tiết nước, giữ một vai trò quan trọng. Do vậy, việc đánh giá hiện trạng công trình và đưa ra các giải pháp quản lý an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão luôn được đơn vị quản lý, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Quang Số, Cụm trưởng Cụm quản lý đầu mối Núi Cốc, Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, tình huống khảnh cấp triển khai đến tất cả các đơn vị liên quan khu vực lòng hồ và các xã vùng hạ du".

Song song với điều tiết nước là thoát lũ và ngăn lũ, để đảm bảo cho mùa mưa lũ năm nay, mặt đê Hà Châu, huyện Phú Bình, có chiều dài trên 16km cơ bản đã được cứng hóa. Hạt quản lý Đê Hà Châu cũng được trang bị đầy đủ về nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”.

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Xã Hà Châu sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai.

Ông Ma Văn Trường, Phó hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hà Châu – Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hạt quản lý đê Hà Châu đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hệ tất cả hệ thống đê kè, cống và các công trình để xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, sắp xếp kiểm tra phân loại vật tư đảm bảo về số lượng và chất lượng sẵn sàng nếu có tình huống xảy ra".

Nhưng đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt thiên tai. Ước tổng thiệt hại khoảng trên 30 tỷ đồng. Đây là những cảnh báo mà chúng ta đang hết sức cảnh giác đề phòng trong mùa mưa bão năm nay.

Bà Lê Thu Hà, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Hiện tượng nắng nóng gay gắt có thể xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ do lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở trên các sườn núi cao, tả luy ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân".

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Cùng với chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra đánh giá công trình trước lũ, những công trình nào không đảm bảo thì chúng tôi có phương án khắc phục, xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, xác định các vị trí trọng điểm xung yếu để chính quyền địa phương xây dựng phương án di dời tài sản người dân sang các vị trí an toàn".

Cùng với chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai của chính quyền và lực lượng chức năng, người dân cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn, cảnh báo; chủ động nâng cao nhận thức trong công tác quản lý rủi ro, kịp thời ứng phó với mức độ thiên tai ở cấp độ mạnh, siêu mạnh, bất thường, cực đoan.