Giám sát chặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 8 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp với gần 170 dự án chính thức đi vào hoạt động và 87.000 lao động. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là gần 4.450 doanh nghiệp, với gần 239.000 lao động. Với mối liên kết, giao thương lớn trong sản xuất, kinh doanh với các địa phương và nhiều trường đại học, cơ sở sản xuất kinh doanh, bởi vậy, trước những diễn biến của dịch COVID-19 tại các tỉnh lân cận, Thái Nguyên đang là địa phương có nguy cơ cao đối với dịch COVID-19. Tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, trên địa bàn có 8 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, 5 trường hợp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 2 trường hợp liên quan đến khu công nghiệp của Bắc Giang và 1 trường hợp liên quan đến khu công nghiệp của Bắc Ninh. Ngay sau khi phát hiện ca lây nhiễm, công tác rà soát, truy vết được tập trung thực hiện. Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn đã được khống chế. Thái Nguyên đã qua 21 ngày không có ca nhiễm mới. Đến ngày 15/5, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành chiến dịch tiêm vắcxin phòng COVID-19 đợt 1 năm 2021 đúng tiến độ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 12.680 người. Theo kế hoạch, đợt 2 diễn ra từ ngày 15/6 đến 18/6/2021, tại 18 điểm tiêm, với 17.400 liều được cấp. Đối với năng lực xét nghiệm, hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime-PCR, đáp ứng khoảng 1.000 mẫu lẻ hoặc 5.000 mẫu gộp/ngày.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ công tác đảm bảo năng lực xét nghiệm và các điều kiện tại khu cách ly, thu dung điều trị; tiến độ tiêm phòng đợt 2; kết quả đánh giá nơi làm việc an toàn trên Bản đồ An toàn COVID-19; kế hoạch/phương án cấp tỉnh khi có nhiều người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp bị mắc COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên;…
Địa phương cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý số liệu cập nhật thông tin dịch bệnh thống nhất từ tuyến cơ sở, đảm bảo đáp ứng quản lý và báo cáo thông tin; đồng thời, cấp bổ sung vắcxin phòng COVID-19 để ưu tiên tiêm cho đối tượng là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn và chỉ đạo các đơn vị cung cấp đảm bảo nguồn cung hóa chất sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của tỉnh Thái Nguyên trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhấn mạnh đặc thù của địa phương và nguy cơ cao trong lây nhiễm dịch có thể xảy ra trên địa bàn, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên cần phát huy hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn trong công tác giám sát nguy cơ lây nhiễm dịch; tăng cường khả năng xét nghiệm sàng lọc; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đối với các khu công nghiệp phải có phương án cách ly trên diện rộng; đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải ký cam kết phòng, chống dịch với địa phương, 100% công nhân phải ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Các đề xuất, kiến nghị của địa phương sẽ được Đoàn tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu giải quyết.
Cũng trong chuyến công tác, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã tới thăm Trung tâm Điều hành thông minh IOC đặt tại UBND tỉnh Thái Nguyên. Với nền tảng công nghệ hiện đại, Trung tâm IOC tỉnh Thái Nguyên cho phép kết nối thông tin, chiết xuất dữ liệu, tiếp nhận thông tin phản ánh của mọi người dân, doanh nghiệp phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp chính quyền. Đáng chú ý là nhờ nền tảng quản lý camera tập trung, Trung tâm IOC đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Thái Nguyên./.