Giá xăng dầu đồng loạt tăng 300 đồng/lít
(Ảnh minh hoạ). |
Liên bộ Công Thương – Tài chính chiều nay (5/6) đã công bố điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h. Theo đó, cơ quan điều hành cho phép giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành; Đồng thời, giữ nguyên mức chi sử dụng quỹ bình ổn ở mức 0 đồng/lít.
Sau khi trích lập quỹ, giá xăng RON 92 được tăng 303 đồng/lít lên mức tối đa 17.366 đồng/lít, xăng E5 tăng 283 đồng/lít lên 17.154 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng lần lượt tăng 225 đồng/lít với dầu diesel lên 13.485 đồng/lít; dầu hỏa tăng 326 đồng/lít lên 12.118 đồng/lít và dầu mazut tăng 139 đồng/kg lên 11.035 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 11 kỳ điều chỉnh (bao gồm cả lần điều chỉnh hôm nay), trong đó 3 lần tăng giá vào đợt điều chỉnh ngày 18/2, ngày 20/4 và hôm nay (5/6); 4 lần giảm giá và 3 lần giữ nguyên.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 20 tháng 5 năm 2017 là: 62,729 USD/thùng xăng RON 92, tăng gần 2 USD so với kỳ trước; 61,856 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 61,937 USD/thùng dầu hỏa; 309,842 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, mặt hàng xăng dầu đang tiến dần đến việc vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Điều này đã được thể hiện rõ ở việc công khai minh bạch giá cũng như nguồn cung về xăng dầu với gần 30 đầu mối được phép trực tiếp nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam và đang có sự cạnh tranh lành mạnh.
“Việc điều hành thị trường xăng dầu theo Nghị định 83 thời gian qua cũng đã chứng tỏ sự hiệu quả với chu kì điều chỉnh giá 15 ngày đã tạo ra sự công khai minh bạch. Giá xăng dầu được tính toán và công bố hợp lý dựa trên công thức giữa thuế, phí và giá trung bình 15 ngày theo giá sàn tại thị trường Singapore”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo quy định, việc quyết định khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường là do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Hiện khung thuế BVMT với mặt hàng xăng đang là 1.000 - 4.000 đồng/lít và Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Chính phủ báo cáo với Quốc hội để tăng khung thuế suất này lên 3.000 - 8.000 đồng/lít.
Đề cập đến vấn đề “lợi ích quốc gia” khi xem xét thuế BVMT với xăng dầu, Thứ trưởng Hà cho hay: Bộ Tài chính thấy rằng, đây là một khoản thu làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Khi thu được khoản này sẽ tạo điều kiện để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách đặt trong bối cảnh, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 0%.
Hơn nữa, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đang được đánh giá ở mức thấp nhất so với các nước khác có chung đường biên giới. Do đó, theo Thứ trưởng Hà, việc tăng thuế BVMT cũng là một trong những biện pháp giúp quản lý mặt hàng xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu.
"Vấn đề xem xét đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân, tác động chung đến lạm phát sẽ được tính toán thấu đáo cụ thể khi điều chỉnh mức thuế suất thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu sau này", lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.