Giá heo giảm sâu - Người chăn nuôi bên bờ vực phá sản
Những ngày này, tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - vùng được coi là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước - luôn trong một bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng. Nuôi heo là nghề đã đưa nhiều người trở thành những “tỷ phú nông dân” thì nay đang rút cạn dần những đồng vốn cuối cùng của họ. Bởi trong nhiều tháng, giá heo đã giảm sâu kỷ lục, càng nuôi càng lỗ, nhiều người đã phải bán trại, treo chuồng.
Heo “gặm” cả sổ đỏ
Thê thảm, bi đát là những từ được dùng để diễn tả tình trạng của hàng ngàn trang trại nuôi heo lớn nhỏ tại Đồng Nai. Năm 2016, ông Nguyễn Văn Thể, chủ trang trại heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Toàn bộ vốn liếng ông Thể đã đổ vào 2 khu trại công suất hơn 100 heo nái và 700 heo thịt, với hi vọng làm giàu từ con heo.
Càng cho ăn heo càng lớn khiến người chăn nuôi thêm lỗ nặng. (Ảnh minh họa: Internet) |
Thế nhưng giờ đây, khu trại mới xây đã phải đập bỏ gần một nửa, nửa còn lại chỗ bỏ không, chỗ cố gắng cầm cự với heo nái đang nuôi con hoặc đang có chửa mà người chủ không nỡ bán đi.
“Gia đình đã thế chấp giấy tờ nhà đất để vay vốn đầu tư chăn nuôi, giờ muốn vay thêm cũng không còn tài sản gì. Nhu cầu thức ăn cho heo tăng cao nhưng đại lý cũng không còn khả năng để cung cấp. Nếu giá heo cứ như hiện nay, chắc chắn một ngày gần đây gia đình sẽ không thể trụ nổi”, ông Thể nói.
Giá heo ở Đồng Nai suốt từ cuối năm 2016 đến nay luôn ở mức cực thấp, dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ đạt mức 29.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất ở mức khoảng 35.000 đồng/kg.
Trước đây không phải không có những đợt heo giảm giá, nhưng giá giảm sau đó sớm tăng trở lại, không phải luôn ở “đáy” trong suốt nửa năm như lần này. Nhằm duy trì đàn heo, người nuôi dốc toàn bộ vốn liếng để cầm cự, lỗ cũng cố giữ đàn chờ ngày giá cả khởi sắc.
Khi người chăn nuôi đợi mãi mà không thấy giá heo tăng, trong khi heo không thể ngừng cho ăn nhưng càng cho ăn heo càng lớn, mà càng lớn thì càng lỗ nặng. Mỗi con heo từ 100 kg trở lên, người nuôi lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng. Nhiều người đã phải cầm cố cả sổ đỏ, thậm chí như ông Nguyễn Văn Thể, ngoài 2 sổ đỏ của 2 thửa đất thì mấy bộ nữ trang của vợ con ông cũng phải bán đi lấy tiền mua cám cho heo ăn.
Các đại lý thức ăn chăn nuôi cũng bi đát không kém. Nếu như trước đây, mỗi tháng đại lý cỡ trung bình của ông Nguyễn Văn Bình, ấp Võ Dõng 2, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất cung cấp cho các trang trại khoảng 70 tấn cám, thì giờ chỉ còn chưa tới một nửa.
Theo truyền thống ở đây, đại lý sẽ bán cám cho trang trại nhưng cho nợ, khi nào bán được heo thì trả tiền theo kiểu gối đầu, nhưng giờ nhiều trang trại đã không còn khả năng trả nợ, đại lý cũng phải huy động vốn ở các nguồn khác nhau nên nhiều đại lý đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ở huyện Thống Nhất hiện có hàng trăm đại lý thức ăn chăn nuôi lớn nhỏ với quy mô từ 10 - 50 tỷ đồng đang lâm vào tình trạng này.
Phải “cắt” một nửa tổng đàn?!
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh này đang ở mức trên 2 triệu con, vượt cả mức 1,8 triệu con ở thời điểm tháng 2/2017 khi giá heo bắt đầu chạm đáy do cung vượt cầu.
Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, vấn đề nằm ở việc Trung Quốc ngừng nhập heo trong một thời gian dài. Nhiều người chăn nuôi dự đoán như các lần trước đây, Trung Quốc chỉ đóng cửa ít ngày, nhiều lắm là 1 tháng rồi mở trở lại, nên mạnh tay tái – tăng đàn thay vì giảm đàn để tăng giá. Dự đoán sai đã khiến tổng đàn tiếp tục tăng, “cung” vượt xa “cầu” khiến giá càng giảm mạnh.
Và giải pháp duy nhất hiện để cứu vãn giá heo, theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, là phải “cắt” nửa tổng đàn.
“Chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi không giảm đàn theo các tiêu chí kỹ thuật, phải cắt luôn đàn tối thiểu là 50% giúp tổng đàn của cả thị trường giảm xuống, khi đó mới có cơ hội để cho ngành chăn nuôi hồi phục”, ông Đoán nói.
Dù có bắt tay vào giảm đàn ngay từ bây giờ, thì dự báo cũng phải tới cuối năm nay biện pháp này mới bắt đầu có tác dụng, khi lứa heo thịt trong chuồng được đẩy đi hết.
“Cung” vượt “cầu”, Trung Quốc ngừng nhập heo theo đường tiểu ngạch, còn xuất heo theo đường chính ngạch còn quá xa vời, đó là những lý do chủ yếu giải thích cho câu chuyện giá heo chạm đáy lâu kỷ lục tại Đồng Nai.
Nhưng liệu đó có phải là lý do chính khiến ngành chăn nuôi heo “bết bát” như hiện nay. Hướng đi nào cho người nuôi heo? Cơ quan quản lý Nhà nước nói gì? sẽ được đề cập rõ hơn trong bài viết tiếp theo./.