Gần 6 tháng trôi qua, những hộ dân mất nhà do bão vẫn chờ tiền hỗ trợ
Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại khu vực núi Mẻo, thuộc địa bàn thôn Cầu Hòa, xã Cầu Lộc, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017, một khối lượng lớn đất, đá từ núi sạt lở xuống khiến 4 hộ gia đình, gồm: Bà Trương Thị Xòe cùng 3 người con là Phạm Văn Long, Phạm Thị Tuyết và Phạm Văn Phong bị ảnh hưởng.
Trong cơn bão số 10 năm 2017, xảy ra tình trạng sạt lở tại khu vực núi Mỏe |
Trong đó, nhà của gia đình anh Phạm Văn Long và chị Phạm Thị Tuyết bị sập hoàn toàn; còn nhà của gia đình bà Xòe và anh Phong bị sập nhà bếp và tường rào...
Rất may, thời điểm xảy ra sạt lở núi, các gia đình trên không có ai ở nhà nên không gây thương vong về người. Tuy nhiên, nhiều công trình, tài sản của các hộ gia đình bị đất, đá đè bẹp, vùi lấp, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo chị Phạm Thị Tuyết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một doanh nghiệp khai thác mỏ đất không đúng thiết kế, khiến hàng trăm khối đất, đá bị sạt lở.
Nhà cửa, tài sản bị vùi lấp |
Gia đình anh Phạm Văn Long cũng bị đất sạt lở làm sập nhà, công trình phụ, chiếc ô tô tải 3,5 tấn và nhiều tài sản khác cũng bị hư hỏng. Theo ước tính của anh Long, số tiền thiệt hại lên đến trên 150 triệu đồng.
Cũng theo anh Long, trong khi những hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng đã được nhà nước hỗ trợ về vật nuôi, cây cối, hoa màu… nhưng 4 gia đình tại khu vực núi Mẻo lại không được hỗ trợ.
Ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc, thừa nhận, 4 hộ gia đình nói trên bị ảnh hưởng do thiên tai nhưng không được hỗ trợ. Ông Tám cho rằng, đất của gia đình bà Xòe cũng như 3 người con được xây dựng từ những năm 1980, không tranh chấp với ai. Tuy nhiên đây là đất do người dân tự ý xây dựng, xã không cấp đất ở.
Đã nhiều tháng trôi qua, nhưng 4 hộ dân bị thiệt hại vẫn chưa nhận được hỗ trợ |
Cũng theo ông Tám, sau khi sự việc xảy ra, xã cũng đã báo cáo nhanh về huyện, sau đó báo cáo bằng văn bản và kèm theo danh sách các hộ bị thiệt hại.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hậu Lộc, cho rằng, Phòng không hề nhận được đề nghị hay văn bản thống kê thiệt hại nào từ UBND xã Cầu Lộc.
Cũng theo ông Hà, ngay sau khi sự việc nêu trên xảy ra, chính quyền địa phương không báo cáo danh sách những hộ dân này lên huyện. Nhưng bằng kênh riêng, cán bộ Phòng Lao động huyện đã nắm bắt được thông tin và đã tiến hành hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi gia đình bị thiệt hại và cung cấp lương thực tại chỗ.
Việc khai thác đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở |
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 10, theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH thì UBND huyện cũng đã có cuộc họp với các xã để triển khai thống kê tình hình thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch các xã lập danh sách những hộ bị thiệt hại và làm tờ trình gửi về huyện.
Tuy nhiên, Phòng LĐ-TB&XH không nhận được danh sách nên không có cơ sở để làm hồ sơ hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nêu trên. Lãnh đạo Phòng Lao động huyện cho rằng, trách nhiệm này thuộc chính quyền cấp xã. Về phía Phòng LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xem xét lại vụ việc, ai sai tới đâu xử lý tới đó.