Gameshow ca nhạc trên truyền hình 2017: Chỉ vui là chính
Năm 2017 ngoài những gameshow ca nhạc đã sang mùa thứ 2, 3, 4... với một số thay đổi format, thì có nhiều gameshow mới khá đa dạng. Có lẽ nhiều, nên mục tiêu tìm kiếm tài năng hay giá trị thẩm mỹ không còn quan trọng, mà tính giải trí cao hơn để thu hút nhân vật tham gia và khán giả.
Vui là chính gần như bao trùm không khí các gameshow ca nhạc năm 2017 dù chỉ mới sang năm mới 2 tháng. Nhưng nếu cứ vui như một trò chơi giải trí đơn thuần, thì liệu những danh xưng như “thần tượng”, “ngôi sao”, “quán quân”… còn có giá trị như một phát hiện tài năng ca nhạc?
Và nếu như chỉ vui là chính, không chú trọng vào chất lượng nghệ thuật, chỉ để thỏa mãn thị hiếu công chúng bình dân, câu rating và spot quảng cáo, thì các gameshow ca nhạc liệu có làm giảm giá trị thẩm mỹ của âm nhạc Việt?
Gameshow ca nhạc như trào lưu truyền hình 2017
Theo chỉ số theo dõi các chương trình trên truyền hình truyền thống và trực tuyến năm 2016, thấy rõ lượng khán giả và doanh thu quảng cáo nghiêng về các gameshow ca nhạc, vượt cả gameshow hài và phim truyền hình nhiều tập. Vì thế, phát triển gameshow ca nhạc trong năm 2017 xem ra là trào lưu của chương trình giải trí trên truyền hình.
Chương trình Giọng hát Việt đang phát sóng vào tối Chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Những gameshow ca nhạc quen thuộc trên sóng VTV, HTV hay các đài tỉnh- thành như Giọng hát Việt, Hòa âm ánh sáng, Gương mặt thân quen, Tiếng hát mãi xanh, Tuyệt đỉnh song ca, Hãy nghe tôi hát … đã sang các mùa thứ 2, 3, 4 và có lẽ vẫn sẽ còn tiếp các mùa sau vì vẫn hút khán giả.
Và không ít gameshow ca nhạc đã phát được một mùa với nhiều thành công hứa hẹn những mùa sau như Sing my Song, Giọng ải giọng ai, Khởi đầu ước mơ- Dream high, Bài hát hay nhất, Hoán chuyển bất ngờ…
Song không dừng lại, ngay đầu năm 2017 đã có một loạt gameshow ca nhạc mới lần đầu được sản xuất đã lên sóng và chuẩn bị lên sóng như Nhạc hội song ca (format từ Duet Song Festival của đài MBC Hàn Quốc), Mặt nạ ngôi sao (format King of Mask Singer của Hàn Quốc), Trời sinh một cặp (format gameshow It take 2 đang gây sốt truyền hình các nước), Ban nhạc quyền năng (format từ The Band Rules).
Ngoài ra còn có những gameshow ca nhạc “made in Việt Nam” như Hát cùng mẹ yêu, Chuyến xe âm nhạc, P336, Ai sẽ thành sao, Bolero hoan ca, Phiên bản hoàn hào, Thần tượng tương lai, Hát mãi ước mơ, Hát cùng mẹ yêu, Gia đình song ca…
Trong lịch phát sóng của các đài truyền hình trong năm 2017 còn khoảng 10 gameshow ca nhạc nữa sẽ lên sóng mùa đầu.
Siu Black và con trai tham gia Gameshow Hát cùng mẹ yêu. |
Gameshow ca nhạc thành sân chơi quần chúng
Cho dù đã qua mấy mùa, nhưng thấy rõ sự chuyển hướng không chú trọng nhiều về việc tìm kiếm tài năng ca nhạc mang tính hàn lâm của Giọng hát Việt khi chọn dàn giám khảo trẻ gồm những gương mặt đang “nóng” của V-Pop: Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, kể cả ca sĩ Thu Minh hơi “quá thì” cũng là giọng ca thị trường.
Một số gameshow khác hướng tới đông đảo những đối tượng khán giả nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, ví dụ như trong Nhạc hội song ca dành cho những người đam mê ca hát được cùng hát với “thần tượng” của mình, bất kể là ca sĩ, hay diễn viên sân khấu, điện ảnh.
Hát cùng mẹ, đối tượng tham dự là các cặp mẹ con, cha con nghệ sĩ như NSƯT Kim Xuân và con trai Huy Luân, ca sĩ Siu Black và con trai Siu Mạnh… Trong P336 là gameshow xây dựng một nhóm nhạc tuổi teen với các huấn luyện viên là các nghệ sĩ nhiều lĩnh vực như diễn viên Cát Tường, ca sĩ Hoàng Bách, nhạc sĩ Lê Quang, MC Quyền Linh…
Với Chuyến xe âm nhạc, thì đối tượng tham gia là các đội, nhóm văn nghệ không chuyên của các trường đại học, cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh. Hay Trời sinh một cặp sẽ chọn 1/12 cặp ở đủ các ngành nghề trừ ca sĩ. Ai sẽ thành sao tìm kiếm tài năng ca nhạc không hạn định lứa tuổi, quốc tịch. Tình Bolero dành cho ca sĩ phòng trà, những người mê ca hát chưa xuất hiện trên sóng truyền hình.
Phiên bản hoàn hảo giới thiệu các ca khúc Hit, kinh điển được cover lại nhiều phiên bản. Hát mãi ước mơ, cuộc chơi ca nhạc dựa trên nền nhạc Karaoke dành cho những người kém may mắn, thiếu tự tin có thể hát ca khúc mình thích. Hát cùng mẹ yêu, Gia đình song ca là sân chơi cho những người trong gia đình kết nối với nhau như cha mẹ - con, ông bà - cháu, anh chị - em, chú bác cô dì…
Có thể thấy rõ đối tượng của gameshow ca nhạc không còn mục tiêu đi tìm kiếm tài năng mà trở thành sân chơi của quần chúng mang tính giải trí, cả nhà cùng vui. Đây là lối mở để thu hút khán giả đến với gameshow ở hai bên: thí sinh tham gia và khán giả theo dõi chương trình.
Dàn giám khảo gây tranh cãi của Giọng hát Việt 2017. |
Vui là chính như con dao hai lưỡi
Gameshow là phải vui khi mục đích là giải trí và dành cho đông đảo quần chúng. Vui thì có vui, nhưng chính vì thế tính chọn lọc, chất lượng cao, có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật và có thể như một kênh phát hiện- bồi dưỡng tài năng đã bị giảm sâu.
Ở một khía cạnh khác, gameshow ca nhạc khi quần chúng hóa để vui là chính, rất dễ là một kênh ca nhạc dễ dãi, yếu kém nhiều mặt, có thể trở thành “thảm họa âm nhạc” trong giới V-Pop, V-Biz, làm lệch lạc xu hướng thưởng thức âm nhạc của giới trẻ Việt.
Ngay cả việc chỉ để vui, mang tính giải trí, nên thành phần các giám khảo cũng rất “vô lối”. Gameshow ca nhạc nhưng giám khảo có thể là diễn viên hài, MC, diễn viên phim, diễn viên sân khấu, biên kịch, biên đạo múa, hoa khôi, hoa hậu, người mẫu, …Nên những lời nhận xét thí sinh tham gia rất nhiều khi cười ra nước mắt… Chưa kể kỹ năng xử lý tình huống trên sân khấu của giám khảo nhiều khi quá kém.
Do có rất nhiều gameshow ca nhạc lên sóng, việc cạnh tranh nhau để đạt chỉ số raiting cao là mục tiêu của các gameshow ca nhạc, nên chiêu- trò mới lạ nhằm lôi kéo khán giả trở thành “kỹ xảo” trong gameshow.
Và để vui, để PR cho gameshow, đôi khi các “kỹ xảo” tạo phản ứng ngược khi quá tay, như cố tình gây scandal hoặc tình huống kịch tính ở thí sinh tham gia, bất chấp đạo đức nghề, tính nhân văn.
Như cách khai thác mâu thuẫn các giám khảo, hay đời tư kém may mắn của thí sinh. Thậm chí có khi tự tạo ra một lý lịch giả, một số phận giả nhằm kích động cảm xúc khán giả…
Vui là chính, nên ra khỏi gameshow, cho dù là “quán quân” thì cũng chỉ như một cuộc vui. Rất ít thí sinh sau gameshow phát huy năng khiếu của mình để có thể tiến xa hơn trong nghệ thuật ca hát.
Gameshow ca nhạc trên truyền hình đang phát triển như trào lưu. Có lẽ các nhà đài, các cơ quan quản lý, cần một giới hạn để tinh lọc những gameshow chất lượng cao, không nên như phong trào “trăm hoa đua nở” như hiện tại. Dù chỉ là sân chơi quần chúng hay là kênh phát hiện tài năng âm nhạc thì gameshow ca nhạc phải là một sân chơi có giá trị mang tính thẩm mỹ cao./.