G20 kết thúc, Tuyên bố chung không đạt được như kỳ vọng
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khép lại tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Mặc dù nội dung trong Tuyên bố chung không đạt được như các mục tiêu như kì vọng, nhưng với việc các nước đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị cho thấy thành công của nước chủ nhà Argentina khi có quá nhiều sự chia rẽ trong các vấn đề như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư...
Tuyên bố chung đạt được sau các cuộc đối thoại tích cực của các nhà ngoại giao trong bối cảnh có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên. Các quan chức Liên minh châu Âu cho biết Mỹ dường như bất đồng về mọi vấn đề và các bên đã cố gắng thỏa hiệp để đạt được sự đồng thuận.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri. (Ảnh: KT) |
Đối với các vấn đề gai góc như khí hậu, cả 19 thành viên G20 đều nhắc lại cam kết ủng hộ Thỏa thuận trong khi Mỹ khẳng định quyết tâm rút khỏi Hiệp ước này. Tuyên bố cũng cảnh báo những tác động của tình trạng ấm nóng toàn cầu đang tồi tệ hơn dự báo, đồng thời bày tỏ ủng hộ cho Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc diễn ra tại Ba Lan sẽ xác định rõ được các cam kết của các quốc gia trong Thỏa thuận khí hậu Paris.
Đối với vấn đề thương mại toàn cầu, Tuyên bố cho biết 20 thành viên G20 ủng hộ thương mại đa phương, đồng thời kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại thế giới. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chung ủng hộ người tị nạn và giải quyết các vấn đề khiến người dân các nước đi sơ tán. Tuyên bố cũng thể hiện cam kết ủng hộ các trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc, mặc dù Tổng thống Donald Trump lên tiếng phản đối một số qui tắc trong trật tự này.
Với căng thẳng Mỹ- Trung tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm cách làm nhà hòa giải và cố gắng giảm mục tiêu đưa ra trong Tuyên bố chung như tránh sử dụng từ "chủ nghĩa bảo hộ gia tăng". Trong phiên họp toàn thể cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cho rằng cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường xuyên. Cùng với đó, hội nghị cũng thảo luận và thống nhất việc thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm chứ không chỉ là một thực tế của công bằng xã hội và phát triển.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri khẳng định việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận để ra tuyên bố chung của hội nghị phản ánh sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc tế và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là một chiến thắng khi Mỹ ký vào Tuyên bố chung sau hàng loạt các bất đồng. Một quan chức Nhà trắng cho biết, Tuyên bố chung đáp ứng được nhiều mục tiêu của Mỹ, trong đó đặc biệt là vấn đề cải cách Tổ chức Thương mại thế giới.
Kết thúc hội nghị, Argentina đã chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên cho Nhật Bản, nước chủ nhà của hội nghị G20 năm 2019. Bên cạnh các nội dung chính của Hội nghị, các vấn đề như căng thẳng giữa Nga và Ucraina, cuộc xung đột tại Syria và việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu được sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị lần này. Phát biểu tại họp báo sau Hội nghị, đề cập những căng thẳng gần đây với Ucraina, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Ukraine đã áp đặt thiết quân luật tại 10 khu vực sau căng thẳng với Nga. Chính sách của Tổng thống Ukraine không được sự ủng hộ của tất cả những người dân tại khu vực này. Và điều đó có nghĩa là sẽ làm chia rẽ đất nước. Nga cũng sẽ không áp đặt bất cứ giới hạn nào liên quan đến các công dân Ukraine. Trái lại chúng tôi sẽ theo đuổi con đường đảm bảo tự do cho họ ở lãnh thổ của chúng tôi”.
Lãnh đạo Nga và Đức trong cuộc gặp song phương bên lề cũng nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận về những căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine ở cấp cố vấn của 4 nước bao gồm Nga, Ucraina, Đức và Pháp.
Về cuộc chiến Syria, lãnh đạo nhiều nước ủng hộ nỗ lực hướng đến việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được về Syria giữa Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul vào tháng 10/2018./.