Đường dây “logo xe vua”: Hối lộ tiền tỷ nhưng chưa tìm được người nhận
Ngày 24/3, TAND TPHCM đã hoàn tất hồ sơ chuẩn bị xét xử đường dây mua bán "logo xe vua", giải cứu xe quá tải do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976), Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) cầm đầu về các tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.
Xe “vua” lộng hành trên các tuyến đường tuy nhiên không bị xử phạt. |
Liên quan vụ án, Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc môi giới hối lộ.
Theo cáo trạng, Thới đã làm quen với một số cán bộ lực lượng thanh tra giao thông và CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Qua đó, Thới đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ thanh tra giao thông, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ nhận biết được và không xử phạt. Trong "phi vụ" này, Thới rủ người thân của mình là Trần Quốc Thái cùng tham gia bán “logo xe vua”.
Cũng theo cáo trạng, Thới đã nhờ ông Nguyễn Cảnh Chân giúp để CSGT không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với những xe có dán logo do Thới bán. Ông Chân đồng ý và nói với một đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về việc Thới nhờ và ông này đồng ý. Từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2015, Thới đã 7 lần chuyển tiền cho ông Chân với tổng số gần 600 triệu đồng.
Tháng 4/2015, vị đội trưởng trên bị bệnh chết, ông Chân tiếp tục nhờ một Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp và được đồng ý. Thới đã chuyển cho Chân 600 triệu đồng để nhờ hối lộ, Chân đưa cho Phó phòng CSGT 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng. Ông Chân đã làm trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, tổng số tiền Thới đưa cho Chân nhờ hối lộ là 1,2 tỉ đồng.
Đường dây mua bán “logo xe vua" bảo kê xe quá tải do Thới cầm đầu hoạt động từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015 đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Cẩm Vân, Nguyễn Văn Thới và Trần Quốc Thái khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của đội, trạm trong lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Cơ quan điều tra đã triệu tập và lấy lời khai của 62 cán bộ, chiến sĩ nêu trên tuy nhiên những người này không thừa nhận hành vi.
Đối với lực lượng cán bộ thanh tra giao thông, cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai 18 người. Kết quả không có người nào thừa nhận đã nhận tiền của Vân, Thới để không xử phạt các xe quá tải. Tiến hành nhận diện qua ảnh, Vân chỉ nhận diện được 1 đội phó 1 đội thanh tra giao thông TPHCM.
Cơ quan điều tra xác định, việc bán “logo xe vua” thu tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ chức năng để không xử phạt xe quá tải là có thật. Tuy nhiên, ngoài lời khai của các bị can không có tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cảnh sát và thanh tra giao thông đã nhận hối lộ nên không có cơ sở khởi tố.
Đối với chủ xe, lái xe mua “logo xe” vua cơ quan điều tra tiến hành xác minh và ủy thác cho cơ quan điều tra các tỉnh tiến hành lấy lời khai các chủ xe, tài xế theo danh sách 1.682 xe mua “logo xe vua” của Vân Thới. Kết quả cho thấy có 524 tường hợp thừa nhận, còn 1.158 trường hợp không thừa nhận hoặc không thể xác minh do thay đổi nơi cư trú.
Xét thấy những người này bỏ tiền mua logo để không bị xử phạt nhưng không biết Vân, Thới đưa hối lộ cho ai nên không có căn cứ để xác định những người này là đồng phạm./.
Tại sao không có người nhận hối lộ? Liên quan tới vụ án này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Theo cáo trạng thì có thể thấy đây là vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ rất rõ ràng, với số tiền đưa hối lộ và nhận hối lộ có địa chỉ cụ thể. Thế nhưng, trong vụ án này, chỉ truy tố người đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ mà không có bị can nào bị truy tố về tội nhận hối lộ là điều rất lạ. Lạ ở chỗ, người đưa hối lộ khai ra địa chỉ người nhận hối lộ, số tiền mỗi lần đưa ít nhất là 9 triệu đồng, cao nhất là 150 triệu đồng; người môi giới hối lộ cũng khai địa chỉ người nhận hối lộ, với 12 lần, số tiền gần 1 tỉ đồng”. Cũng theo luật sư Đức: “Theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, chỉ cần nhận hối lộ với số tiền 2 triệu đồng là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Với lời khai của các bị can trong vụ án cho thấy điểm cuối của một "liên minh ma quỷ" đã rõ. Người nhận hối lộ vì lợi ích cá nhân mà làm ngơ cho xe quá tải lưu thông trên đường, bất chấp tính mạng người tham gia giao thông, bất chấp luật lệ đến mức người dân gọi là xe "vua", "hung thần xa lộ" nhưng không bị xử lý hình sự”. “Trước nay, những vụ án đưa hối lộ, thường thì kẻ trung gian làm môi giới hối lộ bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi "đầu cuối" không thừa nhận đã nhận tiền từ người đưa hoặc trung gian. Nhưng vụ này thì khác, người trung gian bị truy tố tội danh làm môi giới hối lộ, tức là có nhận tiền của người "đưa hối lộ" và có đưa tiền đến tận tay người nhận hối lộ”. Luật sư Đức nhấn mạnh thêm. |