Dư luận Anh muốn kéo dài giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit
Trong bài phát biểu tại thành phố Florence, Italia hôm 22/9 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, dư luận Anh có nhiều ý kiến muốn giai đoạn chuyển tiếp này kéo dài lâu hơn, có thể là 3 năm, hoặc thậm chí là 5 năm.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại Florence, Italia hôm 22/9. (Ảnh: Daily Express) |
Giới nông dân Bắc Ireland ngày 24/9 đã lên tiếng bày tỏ mong muốn giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ kéo dài 5 năm thay vì 2 năm như Thủ tướng Theresa May đã đề cập. Lý do đưa ra là nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn đối với hoạt động của ngành chăn nuôi khi Anh không còn là thành viên của liên minh.
Ủy ban Gia súc và Thịt của Bắc Ireland lo ngại nguy cơ lợi nhuận của các trang trại giảm sút mạnh nếu Anh chuyển sang các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau Brexit, nhất là khi điều này diễn ra cùng lúc với việc trợ cấp nông nghiệp giảm.
Giám đốc điều hành Ủy ban Gia súc và Thịt của Bắc Ireland Ian Stevenson nhấn mạnh rằng giải pháp tốt nhất để bảo vệ tương lai của ngành chăn nuôi gia súc ngoài việc đạt một thỏa thuận thương mại tự do sâu rộng Anh - EU, cần có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm, kèm theo sự đánh giá tổng kết giữa kỳ, nhằm tránh việc một thỏa thuận quá độ tạm thời có thể gây gián đoạn hoạt động cho ngành chăn nuôi.
Trong khi đó, giới doanh nghiệp Anh muốn giai đoạn chuyển tiếp kéo dài ít nhất 3 năm sau Brexit.
Trong một bức thư ngỏ hồi đầu tuần trước do Liên đoàn Công nghiệp Anh khởi xướng, lãnh đạo 120 doanh nghiệp lớn nhất tại Anh, với hơn một triệu lao động, vừa một lần nữa cảnh báo với Chính phủ Anh về những hậu quả nghiêm trọng nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau tháng 3/2019 mà không đạt được thỏa thuận thương mại mới, hoặc không có đủ thời gian để các doanh nghiệp điều chỉnh.
Trong số những người ký vào bức thư ngỏ có đại diện của các công ty lớn như Centrica, Zurich Insurance, Johnson & Johnson và Harrods. Lãnh đạo các doanh nghiệp thúc giục Thủ tướng Anh Theresa May tìm cách đạt được một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài ít nhất 3 năm sau Brexit, đồng thời cảnh báo việc không có đủ thời gian “sẽ hủy hoại sự phát triển thịnh vượng chung” của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond ủng hộ các doanh nghiệp về phương án thời gian chuyển tiếp kéo dài 3 năm, trong khi các gương mặt khác trong Chính phủ như Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox lại nghiêng về khoảng thời gian ngắn hơn.
Còn Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng giai đoạn chuyển tiếp không cần thiết phải kéo dài tới 10 năm, nhưng phải kéo dài đủ lâu để tránh những tác động tiêu cực đối với các lĩnh vực kinh tế của Anh.
“Tôi nghĩ sẽ rất khó để ai đó có thể đưa ra con số chính xác về giai đoạn chuyển tiếp”, ông Jeremy Corbyn nhận định. “Tôi không hoàn toàn chắc chắn con số 2 năm là dựa trên cơ sở nào. Nhưng chúng ta đều chắc chắn với nhau rằng, cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp”.
Trong đề xuất thời gian chuyển tiếp 2 năm, Thủ tướng Theresa May khẳng định Anh sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của nước này về ngân sách khi còn là thành viên của EU. Theo bà, trong khoảng thời gian này, Anh cần được tiếp cận thị trường chung EU, trong khi các thành viên khác của khối không phải đóng góp thêm hoặc được nhận hỗ trợ ít đi vì Brexit. Trong giai đoạn chuyển tiếp, công dân EU vẫn sẽ tiếp tục được đi lại, sống và làm việc tại Anh, song sẽ có một hệ thống đăng ký, một sự chuẩn bị cần thiết cho một giai đoạn mới.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của Anh, David Davis cho rằng, các bên đã đạt được sự nhất trí rằng cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp đảm bảo lợi ích của cả 2 bên. Đây là một bước tiến tích cực. Tuy nhiên, giai đoạn này kéo dài bao lâu và diễn ra như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào sự đồng thuận của cả Anh và EU cũng như phải dựa vào thực tế./.
Thùy Linh/VOV-Trung tâm Tin