Chính phủ Anh chia rẽ vì quan điểm “quá độ” hậu Brexit
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí cuối tuần trước nhân chuyến thăm Pháp, Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond tuyên bố rằng, có một “sự đồng thuận lớn” trong nội bộ chính phủ Anh về việc cần phải tìm cách giảm nhẹ các tác động của Brexit và tránh cho nước Anh một sự đổ vỡ khốc liệt ngay lập tức trong quan hệ với Liên minh châu Âu.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, ông Hammond cho rằng, một số vấn đề quan trọng hàng đầu như việc kiểm soát nhập cư vào Anh hay tự do đi lại của công dân châu Âu trên lãnh thổ Anh sẽ không thể ngay lập tức áp dụng sau khi hoàn tất đàm phán Brexit dự định vào tháng 3/2019 mà còn phải trải qua một giai đoạn quá độ 3 năm.
Tuy nhiên, các tuyên bố này của ông Hammond ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều thành viên khác trong chính phủ của đảng Bảo thủ.
Bộ trưởng Ngoại thương Anh, Liam Fox phản bác ông Hammond khi cho rằng giải pháp quá độ 3 năm mà ông Hammond đề cập là đi ngược lại nguyện vọng của 52% cử tri Anh quốc đã bỏ phiếu lựa chọn Brexit vào tháng 6/2016. Ông Fox cũng tuyên bố ông chưa từng tham dự bất cứ cuộc họp nào bàn về quan điểm quá độ 3 năm hậu Brexit.
Ủng hộ quan điểm của ông Fox, nguyên Quốc vụ khanh phụ trách Brexit của Anh là ông David Jones cũng nhận định “một giai đoạn quá độ 3 năm hậu Brexit là quá nguy hiểm” và cáo buộc ông Hammond đã lạm quyền phát ngôn trong thời điểm nữ Thủ tướng Anh là bà Theresa May đang đi nghỉ Hè.
Trên thực tế, những tranh cãi hiện nay trong nội bộ chính phủ đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh phản ánh sự thật là đang có hai cách tiếp cận rất khác nhau trong chính phủ Anh về Brexit. Một bên là những người như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond ủng hộ một “Brexit mềm”, tức là Anh sẽ rời Liên minh châu Âu nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ như một đối tác đặc biệt. Bên kia là những người theo đường lối cứng rắn, ủng hộ một “Brexit cứng”, tức muốn có sự đoạn tuyệt rõ ràng với Liên minh châu Âu để lấy lại chủ quyền cho Vương quốc Anh. Nổi bật trong số này chính là nữ Thủ tướng Anh, Theresa May.
Việc nội bộ chính phủ Anh đang có những quan điểm chia rẽ như hiện nay về Brexit càng làm gia tăng các lo ngại về tiến độ đàm phán Brexit. Trong phiên đàm phán thứ hai mới đây, phía Liên minh châu Âu đã phải thúc giục phía Anh sớm làm sáng tỏ quan điểm trong các chủ đề quan trọng để đẩy nhanh tốc độ đàm phán cho kịp mục tiêu hoàn tất đàm phán Brexit vào tháng 3 năm 2019./.