Du lịch Thái Nguyên tiếp tục gặp khó do dịch COVID-19
Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên từ năm 2020 đến nay, các chỉ tiêu phát triển du lịch giảm sâu so với năm 2019. |
Trước đây, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, Thái Nguyên hàng năm đón hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch tuy không bằng các tỉnh, thành phố có các điều kiện phát triển tốt, nhưng cũng ở mức khá, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và những diễn biến phức tạp tại Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 450 cơ sở lưu trú du lịch với trên 6.200 phòng, trong đó có 50 khách sạn và 400 cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên không ngừng tăng, trong đó, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế đạt 6%/năm, khách du lịch nội địa tăng 15%/năm. Năm 2019, khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 2,9 triệu lượt, trong đó, có 2.824.700 lượt khách trong nước (chiếm 97,4%) và 75.300 lượt khách quốc tế (chiếm 2,6%). Thu nhập từ dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013-2019 đạt 13,9%/năm.
Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên từ năm 2020 đến nay, các chỉ tiêu phát triển du lịch giảm sâu so với năm 2019. Cụ thể: khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 558.000 lượt (bằng 56% so với 2019); khách tham quan tại các khu, điểm du lịch đạt 572.000 (bằng 33% so với năm 2019); khách quốc tế đạt 23.000 lượt (bằng 30% so với 2019), Nhìn chung, dịch bệnh COVID-19 đã nhanh chóng “đóng băng” ngành du lịch không chỉ trong nước, mà Thái Nguyên cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Nhiều đơn vị kinh doanh khách sạn và các dịnh vụ du lịch đi kèm thì sự sụt giảm rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các đơn vị này; đồng thời, tác động đến cuộc sống của người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Ông Đoàn Thanh Hải, đại diện Công ty TNHH Long Thắng, thị xã Phổ Yên chia sẻ: "Loại hình dịch vụ của chúng tôi gồm khách sạn và bề bơi. Với khách sạn, lượng khách của các tỉnh đến Phổ Yên giảm đến 60%; khách từ ngoại tỉnh đến đều phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 3 ngày cũng là khó khăn".
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dạ Hương cho biết: "Trong gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, chưa bao giờ hoạt động du lịch lại khó khăn như hiện nay. Toàn bộ hoạt động lữ hành của công ty đã phải dừng nghỉ, toàn bộ Khách sạn Dạ Hương cũng đóng cửa".
Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đều đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng do những tác dộng của dịch bệnh. Nhiều đơn vị nhân dịp này chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác hoặc tiến hành sửa chữa nâng cấp; người lao động phải nghỉ việc thường xuyên, hoặc nghỉ bộ phận gây ảnh hưởng đến thu nhập và dẫn tới doanh thu du lịch bị giảm sút nhiều gây tác động không nhỏ tới kinh tế chung của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kim Thái, TP Thái Nguyên cho biết: "Đa phần nhân sự làm trong nghề dịch vụ thường tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên tâm lý không ổn định, lo bị lây bệnh bất cứ lúc nào; cùng với đó, lương đi làm sẽ bị giảm do phân ca, kíp. Người lao động cũng mong muốn được đào tạo hoặc có giải pháp để an tâm hơn với nghề. Còn với khách hàng, họ cũng có tâm lý không muốn ở lại khách sạn, không muốn tiếp xúc với nhân viên khách sạn. Với tâm lý như vậy nên lượng khách giảm đi rất nhiều".
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch tỉnh đang rất cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như của địa phương. |
Mặc dù các doanh nghiệp du lịch tỉnh Thái Nguyên đang rất cố gắng không bỏ cuộc và quyết tâm không gục ngã để chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhằm phục hồi lại, nhưng theo dự báo dịch bệnh có thể kéo dài hơn, nên hiện nay đang rất cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như của địa phương. Cụ thể đó là sự hỗ trợ trong đào tạo nhân viên, trong giảm hoặc miến thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt…
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kim Thái, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Đối với gói hỗ trợ, ngành dịch vụ chỉ được hỗ trợ 1 phần giá điện kinh doanh, chúng tôi mong muốn mức hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên khi không có việc làm; được giãn thuế".
Ông Đoàn Thanh Hải, đại diện Công ty TNHH Long Thắng, thị xã Phổ Yên cho hay: "Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cụ thể hơn nữa, triển khai đến tất cả loại hình dịch vụ du lịch".
Chưa khi nào ngành du lịch cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như thời gian vừa qua và hiện nay. Những khó khăn này cũng là lúc ngành du lịch Thái Nguyên cần tìm tòi khả năng thích ứng và kháng cự từ nội lực và cả từ những sáng tạo để tìm thời cơ trong thách thức. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động, giảm bớt các chi phí phát sinh, sớm ổn định hoạt động kinh doanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát./.