Dù không có TPP, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017 vẫn tích cực
Năm 2016 Việt Nam được đánh giá là năm đạt được thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ môi trường đầu tư - kinh doanh có nhiều cải thiện. Lần đầu tiên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt mức kỷ lục (15,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước), vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2015.
Năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới, nhờ có nhiều yếu tố tích cực như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như nỗ lực của chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
2 tháng đầu năm, Việt Nam đã có hơn 1.100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới. |
Trong 2 tháng đầu năm nay, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước cả về số dự án cấp mới, số vốn đăng ký và vốn giải ngân. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có hơn 1.100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đạt 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là những yếu tố căn bản để Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Thời gian qua Việt Nam đã duy trì được nền kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ mới đang có rất nhiều động thái rất mạnh mẽ và cải cách tích cực, nhằm cải cách cơ cấu kinh tế cũng như áp dụng những biện pháp chế tài chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Việt Nam là nước tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nhất trong khu vực châu Á, sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng các mức thuế xuất nhập khẩu hàng hoá tốt nhất”, ông Ryu Hang Ha nhận xét.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn, dẫn tới nguồn vốn trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể giảm đi.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn kỳ vọng còn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư nhờ 16 hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, trong đó, không chỉ là đầu tư mới, mà cả mở rộng các dự án đầu tư sẵn có.
Đánh giá về triển vọng môi trường đầu tư của Việt Nam của nhiều tổ chức quốc tế thời gian qua, cũng cho thấy những kết quả tích cực. Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và đã có những vùng kinh tế phát triển vững bền.
“Việt Nam cũng có sự định hướng rõ ràng và quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đã chú trọng vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trực tiếp để từ đó có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trên thương trường. Tôi cho rằng với chính sách này, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và trong những năm tới”, ông Sebastian Eckard nhận định.
Cùng với đó, với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ kiến tạo để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trưởng đầu tư như Nghị quyết 19 năm 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020 và Luật Đầu tư sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2017… cũng sẽ có những tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đầu tư nước ngoài năm 2017 mặc dù không có TPP nhưng vẫn có những tín hiệu khởi sắc. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… Việt Nam còn đón nhận các nhà đầu tư từ châu Âu, khi các quốc gia này cũng có những khó khăn bởi Brexit.
“Các quốc gia châu Âu đang tận dụng những cơ hội, những hiệp định thương mại song phương và đa phương đã kí kết để bù đắp lại những tổn thất khi nước Anh tách khỏi EU, nên giao thương Việt Nam – EU sẽ có thuận lợi hơn. Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải tạo được hạ tầng để thu hút đầu tư tốt, tạo môi trường về mặt pháp lý, tính minh bạch, sở hữu trí tuệ”, ông Toàn cho biết.
Nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết, với nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các Tập đoàn đa quốc gia. Năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và vốn thực hiện dự báo sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm trước.
Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, đồng thời, tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài./.