Đổi thay từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với sự chủ động của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động nên hiện nay, nhận thức của các bà mẹ trẻ, cũng như các gia đình đã được nâng lên rõ rệt.

Người phụ nữ sinh con quá sớm, sinh quá nhiều, sinh quá dày hay sinh khi độ tuổi quá lớn đều là những biểu hiện của việc sinh con không có kế hoạch. Đặc biệt là tại vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Võ Nhai. Việc này, không chỉ để lại những hậu quả khôn lường về sức khỏe và tâm lý đối với bà mẹ, trẻ em mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng cuộc sống. Nhiều cặp vợ chồng, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thường vẫn còn tâm lý e ngại, khiến cho việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chủ động của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động nên hiện nay, những tồn tại cố hữu này đã dần được thay đổi. Thay vào đó, nhận thức của các bà mẹ trẻ, cũng như các gia đình đã được nâng lên rõ rệt.

Chị Hầu Thị Mai, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Tôi đã sinh 1 bé, hiện nay, đang áp dụng biện pháp tránh thai để vài năm nữa mới sinh tiếp; nếu sinh con sớm sẽ rất vất vả".

Bác sĩ Lương Văn Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai cho hay: "Trạm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ xã tuyên truyền đến tận nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép các chương trình kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền bà con sử dụng các biện pháp tránh thai".

Đổi thay từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Qua triển khai chiến dịch truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sự nhìn nhận cũng như kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Không chỉ tại huyện Võ Nhai, trước đây tại nhiều vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn là một vấn đề khó khăn. Để thay đổi và nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ và các gia đình về dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn là thách thức với chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên, trong 6 tháng năm 2021, toàn tỉnh có trên 1.000 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, tăng 28 trẻ so với cùng kỳ. Trong số này bao gồm cả các trường hợp ở thành thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng đã triển khai chiến dịch truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến vùng có mức sinh cao. Riêng trong đợt 1 của chiến dịch này, đơn vị đã triển khai đến 6/8 huyện, thành phố, thị xã có mức sinh cao của tỉnh. Đến nay, đã có trên 3.000 lượt người được cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; chiến dịch cũng đã thu hút được sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Qua triển khai chiến dịch truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sự nhìn nhận cũng như kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, quan niệm về hôn nhân, gia đình và sinh đẻ có kế hoạch của bà con đã có chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều người chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại, các cặp vợ chồng trẻ kết hôn đúng độ tuổi, hiện tượng tảo hôn đã được khống chế.

Ông Dương Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cho biết: "Chúng tôi vận dụng hết các nguồn lực để triển khai các công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, đặc biệt là công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chú ý đến các vấn đề sử dụng nhân lực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội để phối hợp với ngành y tế triển khai tốt các chiến dịch truyền thông bằng nhiều biện pháp và hình thức, lồng ghép trong các chương trình y tế".

Ông Đinh Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ triển khai bằng nhiều biện pháp như cho lực lượng cộng tác viên y tế thôn bản đi rà soát từng đối tượng ở địa bàn, tiếp tục nhân rộng hoạt động này. Triển khai hoạt động tuyên truyền bằng các sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, sách mỏng, website, mạng xã hội vì trong bối cảnh đang phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế tiếp xúc gần".

Chất lượng dân số được nâng cao; trình độ dân trí, hiểu biết của người dân về thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình được cải thiện… đó là kết quả của những cách làm cụ thể, thu hút được sự tham gia trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đây là nền tảng, động lực để chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Điều đó cho thấy, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đang thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi cách nghĩ, hành động và hành vi của các cấp, các ngành, đặc biệt là với người dân, các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ./.