Doanh nghiệp Việt tăng nhanh số lượng nhưng quy mô nhỏ đi
Kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được công bố chính thức ngày 19/9 đã cho thấy, tính đến thời điểm tháng 7/2017, doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176.300 doanh nghiệp (tăng 51,6% so với năm 2012.
Doanh nghiệp quy mô nhỏ là một xu hướng
Đánh giá về quy mô doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả Tổng điều tra cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam phát triển rất tốt, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Nền kinh tế tính đến thời điểm 1/1/2017 đã có tổng số 517.900 doanh nghiệp.
Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều tăng thêm trên 100.000 doanh nghiệp. Cụ thể năm 2106 là trên 110.000 doanh nghiệp, năm 2017 là 126.000 doanh nghiệp. Điều này đã cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh đã tạo dựng được do Chính phủ luôn thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. |
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết, qua số liệu của Tổng điều tra, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động hiện nay là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, chiếm tỷ lệ rất lớn (trên 96,7%) và quy mô của doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng không được lớn. Điều này cho thấy thực tế của tình hình kinh tế của nước ta trong bối cảnh đang chuyển đổi nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ là khu vực mà không cần nhiều về nguồn lực lao động cũng như quy mô về vốn.
“Trong tổng số các doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dịch vụ chiếm đến trên 33% nên quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ. Tổng cục Thống kê nhận thấy, xu hướng hiện nay quy mô doanh nghiệp đang nhỏ đi khi ứng dụng được khoa học công nghệ, đặc biệt là trong tiến trình tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0 nên nhiều doanh nghiệp được thành lập không cần nhiều đến lực lượng lao động. Đây cũng là xu hướng chung của toàn cầu khi sử dụng máy móc, thiết bị thay thế lao động”, ông Lâm cho biết.
Theo nhận xét của ông Lâm, nếu xếp về quy mô lao động, xu hướng doanh nghiệp nhỏ đi cũng thể hiện nét đặc trưng của Việt Nam, như phù hợp với chuyến biến về khoa học ứng dụng công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp cần nhiều giải pháp
Bàn về lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng, với thực trạng thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể như hiện nay, Việt Nam khó có thể đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Chỉ khi nhà nước có giải pháp động viên, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thành lập mới thì có thể đạt được.
Giải pháp đưa ra được ông Thúy nhấn mạnh rằng, Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Cùng với đó, các Bộ, ngành cần cải cách mạnh mẽ cơ sở pháp lý, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính cản trở kinh doanh doanh nghiệp; Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật, lao động; đặc biệt là khu vực kinh tế cá thể, hợp tác xã và tổ hợp tác.
Đối với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, ông Thúy cho rằng, các hộ đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp là không nhiều. Hiện nay mới chỉ có khoảng 103.000 số hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp với mỗi doanh nghiệp có số lượng trên 5 người. Cần động viên, khuyến khích các hộ chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Khó khăn thách thức rất lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp theo ông Thúy là quy mô doanh nghiệp đang dần nhỏ đi. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng chỉ tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn giảm đi, nên các doanh nghiệp khó tham gia vào lực lượng sản xuất kinh doanh quy mô càng nhỏ.
“Đây chính là lý do cần đẩy mạnh khuyến khích hộ kinh doanh và hợp tác xã thành lập doanh nghiệp. Điều này có thể sẽ dẫn đến số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ tăng nhanh lên. Nhưng xét cho cùng, đây là thực trạng hợp lý vì chủ trương chung của Việt Nam chính là khuyến khích phát triển doanh nhỏ và vừa, và đây sẽ là chính sách tốt hiệu quả tương lai./.