Thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp (DN), nhưng số DN quy mô lớn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó có đến 96% trong số này là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ nên có tiềm lực về vốn thấp, quy mô nhỏ bé, công nghệ trình độ quản lý cũng yếu kém, vướng mắc về chính sách… đang kéo giảm năng lực cạnh tranh của các DN khi muốn thực hiện những ý tưởng kinh doanh lớn, nhất là các dự án đầu tư công, đầu tư khoa học và công nghệ…

Theo ông Nguyễn Hoàng Phi, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Các dự án phát triển nông thôn mới Việt Nam, khó khăn lớn nhất của DN nằm ở khâu thủ tục xin giấy phép sử dụng đất.

Trong khi nông nghiệp là lĩnh vực cần diện tích đất lớn để canh tác, sản xuất, nhưng khi DN xin giấy phép cấp đất cũng như các thủ tục khác liên quan đến lĩnh vực này thường rất khó khăn. “DN phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi, có khi lên đến vài ba năm khiến DN mất luôn cả cơ hội sản xuất kinh doanh”, ông Phi nêu vấn đề.

Thực tế câu chuyện đến xin giấy phép sử dụng đất là vấn đề gây ra nhiều bức bối nhất đối với các DN Việt Nam hiện nay. Nhiều DN cho biết, muốn giải quyết nhanh thủ tục để được sớm cấp phép quyền sử dụng đất, DN phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để “bôi trơn” cán bộ, nếu không sẽ mất cơ hội làm ăn.

doanh nghiep viet giam nang luc canh tranh vi dau
Thách thức về chi phí ngoài luồng, khó tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang bó buộc sự phát triển của DN Việt.

Theo ông Phi, khi các DN Việt vẫn còn phải đối diện với những khúc mắc về thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh thì mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập là rất khó. Những bức bối liên quan đến các loại chi phí ngoài luồng vẫn đang là rào cản ngáng chân DN.

Kết quả khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2017 cũng cho cho thấy, số DN cho biết phải chi trả các loại chi phí không chính thức vẫn còn rất lớn.

Tình trạng nhũng nhiễu trong khâu giải quyết thủ tục hành chính vẫn là những điểm nghẽn do chính cơ chế, chính sách nội tại được các nhà quản lý cố tình tạo ra. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã hết sức nỗ lực, tập trung giải tỏa các điểm nghẽn đó, song thực tế vẫn chưa thể giải quyết hết được. Bên cạnh thách thức về vấn đề chi phí ngoài luồng, câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang bó buộc sự phát triển của DN Việt.

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Tiến, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và Quản lý cho rằng, thách thức hiện nay của các DN vẫn nằm ở môi trường kinh doanh. Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều động thái nhằm cách thủ tục hành chính, trong đó có việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin với dịch vụ công trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần phục vụ người dân cộng đồng DN… song thực tế cho thấy, mức độ hài lòng của DN vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.

Điều này được thể hiện ở con số 70% DN kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (theo Báo cáo mới nhất của VCCI công bố ngày 8/1/2019 về mức độ hài lòng của DN với cải cách hành chính).

“Các DN cho rằng, nếu công việc cải cách hành chính được triển khai có hiệu quả sẽ tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của DN. Điều này là rất cần thiết để nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng DN trong thời gian tới”, PGS.TS. Phạm Hữu Tiến nhấn mạnh./.