Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết cơ hội xuất khẩu trong EVFTA
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN) |
Tuy vậy, để tận dụng hết các cơ hội từ hiệp định này này đòi hỏi sự chuẩn bị hết sức chu đáo từ góc độ các cơ quan xây dựng chính sách cho đến sự sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đây cũng là một trong những chủ đề được bàn luận tại Hội thảo: "Tham vấn về các tác động của Hiệp định thương mại EU-Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam," do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 2/11, tại Hà Nội.
Thị trường Đông Âu vẫn bỏ ngỏ?
Theo dự báo của các chuyên gia, hiệp định EVFTA sẽ tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với EU cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam về EVFTA do Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương và đầu tư của châu Âu soạn thảo cho thấy, trong hơn một thập kỷ qua, giá trị thương mại hai chiều tăng 10 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,3 tỷ USD vào năm 2015.
Con số này đã giúp EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam sang EU. Tính riêng năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 10 tỷ USD.
EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc gia thành viên còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Nhấn mạnh về thị trường này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, hiện EU là đối tác duy nhất mà Việt Nam có đề án phát triển tổng thể về thị trường, điều đó chứng tỏ Việt Nam rất coi trọng việc phát triển mối quan hệ với thị trường EU.
Tuy nhiên, với 28 nước thành viên và có GDP rất lớn nhưng khả năng khai thác thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chưa đi sâu được vào các thị trường tiềm năng, nhất là các nước thuộc khối Đông Âu.
Ông Tuyển cho rằng, trong số 11 nước Đông Âu thuộc liên minh châu Âu (EU) thì Việt Nam mới xuất khẩu được gần 1,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng thị phần mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU.
Điều đáng nói là thuế quan hoàn toàn chung giữa các nước thành viên EU, nhưng khả năng tiếp cận thị trường của Việt Nam còn thấp.
"Rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam ít chú ý đến việc khai thác thị trường các nước Đông Âu," nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại trao đổi về EVFTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Cần quản lý theo chuỗi
Cũng theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam, hiệp đinh EVFTA sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam.
Đáng lưu ý, có nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, cơ hội xuất khẩu đối với nhóm hàng nông sản rất lớn bao gồm: thủy sản; gạo; đường; hạt tiêu; hạt điều; mật ong tự nhiên; toàn bộ các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi.
Tuy vậy, câu chuyện mà Việt Nam đang đối mặt chính là hàng rào thương mại, trong đó nổi lên gần đây là mặt hàng thủy sản chính thức bị EU rút "thẻ vàng" được dự báo sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc EU rút "thẻ vàng" không chỉ đơn giản là chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng hơn tới việc đánh bắt thủy sản của Việt Nam.
Hơn nữa, việc xuất khẩu thủy sản những năm gần đây tiếp tục tăng nhưng điều đáng lo ngại là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước lại không đủ và phải nhập khẩu.
Do vậy theo ông Dương, các doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm theo chuỗi, tức là phải kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào để đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
"Liên minh châu Âu là một thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng nhất là An toàn thực phẩm, nếu không tìm hiểu và kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi sẽ khó tận dụng được hết những ưu đãi," ông Dương lưu ý thêm.
Đánh giá về hiệp định EVFTA, ông David Vanzentti (Đại học Quốc gia Australia) cũng lưu ý vấn đề nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU sẽ tăng.
Theo chuyên gia này, nếu doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ các yếu tố pháp lý như các biện pháp phi thuế quan, hay tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này, có thể sẽ tác động đến hiệu quả đầu tư.
Dù vậy, ông David Vanzentti cũng khẳng định rằng, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng được hưởng lợi từ hiệp định EVFTA, từ tăng thu nhập và tiền lương thực tế đến gia tăng đầu tư, xuất khẩu..../.