Doanh nghiệp bán lẻ cần chiến lược dài hơi trước làn sóng M&A
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam thuộc top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Trong năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với năm trước đó và là một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Với dân số gần 100 triệu người với gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP khoảng 2.385 USD/người (tăng 10% mỗi năm), thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào Việt Nam khiến thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt. Cùng với đó, hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng diễn ra sôi động, tạo nên sức hấp dẫn lớn của ngành bán lẻ Việt Nam.
TCC Holdings chi 879 triệu USD mua hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam. (Ảnh: Báo Tiền phong) |
Theo giới chuyên gia, làn sóng đầu tư cũng như M&A từ các nhà đầu tư “ngoại” sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, song cũng là thời cơ các nhà bán lẻ phải thay đổi, tăng sức cạnh tranh và đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn, nhất là khi thị trường bán lẻ là miếng bánh béo bở vô cùng hấp dẫn các “đại gia” nước ngoài.
Nhận định về vấn đề này, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, trong cuộc đua với làn sóng M&A có sự tham gia của các “đại gia” ngoại, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơi, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tận dụng triệt để những lợi thế sân nhà như thói quen, tâm lý tiêu dùng của người Việt,… đó là những thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn các “đối thủ”.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi lĩnh vực bán lẻ nói riêng và nhiều lĩnh vực kinh tế khác đang hình thành cuộc đua tranh của làn sóng M&A, ngoài sự nỗ lực, chủ động của bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất cần có sự hỗ trợ của nhà quản lý trong việc tạo điều kiện, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ, không thể lơ là trong việc phát triển thị trường bán lẻ. Chính phủ cần tạo môi trường phát triển công bằng, lành mạnh để các doanh nghiệp cùng cạnh tranh một cách minh bạch.
Cũng theo ông Phú, xu hướng thương mại điện tử đang rất mạnh mẽ, do đó, Chính phủ cần khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thị trường thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu./.