Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách về an toàn thực phẩm
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mạnh Đức |
Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Trung ương, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản, kiện toàn Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn từ 2011 - 2016, tỉnh đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình VietGap với diện tích gần 800ha, cấp gần 2.500 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bước đầu đã tiến hành kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, quản lý an toàn thực phẩm trong xuất, nhập khẩu thực phẩm. Trong 5 năm, công tác quản lý Nhà nước đã tiến hành thành lập trên 3.000 đoàn; thanh, kiểm tra được trên 46.000 cơ sở với trên 9.000 cơ sở vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là việc quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn bất cập, hiệu quả chưa cao; tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn; chưa xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn; lực lượng làm công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đánh giá việc kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu; tình trạng chồng chéo trong quản lý vẫn còn xuất hiện; công tác quản lý tiếp tục cần được rà soát, tham mưu để có chế tài mạnh hơn trong xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt chú trọng đến xây dựng tiêu chuẩn địa phương về an toàn thực phẩm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân với vấn đề này.
Đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đặc biệt là Ban Chỉ đạo với công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự buổi giám sát, đồng thời chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đồng chí đề nghị, Tỉnh cần xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn Đảng, chính quyền và nhân dân; quan tâm rà soát hệ thống văn bản pháp luật, kịp thời bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những thiết sót; quan tâm hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân lực, thiết bị kiểm nghiệm cho đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm; cần tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm thường xuyên, định kỳ; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, tránh hình thức, hạn chế tiêu cực; làm tốt công tác quản lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp, hóa chất, phụ gia, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật…Đồng chí cũng yêu cầu cơ quan tổng hợp tiếp thu, tổng hợp các ý kiến thuộc nội dung giám sát, hoàn chỉnh văn bản và báo cáo trong thời gian sớm nhất./.