Điều chỉnh giảm giá gần 40 dịch vụ y tế
Ông Liên cho biết, giá của hơn 40 dịch vụ y tế được điều chỉnh theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay. Theo đó, dịch vụ nào tăng giá sẽ tăng lên, dịch vụ nào giữ nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ có những dịch vụ giá giảm xuống. Tuy nhiên trong hơn 40 dịch vụ thì phần lớn là giảm giá.
Trước đó, giá của hơn 40 dịch vụ y tế được tập trung rà soát giá gồm: giá khám bệnh, giường bệnh; chiếu chụp Xquang; chụp cộng hưởng từ CT scanner…
Sau khi có kết quả rà soát, dự thảo sửa đổi giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giá khám bệnh còn 20.000-35.000 đồng, giá siêu âm giảm gần 1,5 triệu.
Cụ thể, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 đề xuất giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000; Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 20.000 đồng. Giá tại bệnh viện hạng 2 giảm từ 35.000 đồng xuống 29.000.
Ông Liên cho biết thêm, riêng với giường bệnh, dự kiến tăng với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và giảm nhẹ ở bệnh viện hạng 3, 4. Như giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng lên 751.000 đồng (trước đó là 677.100 đồng); tại bệnh viện hạng 1 cũng lên 710.000 (tăng gần 80.000 đồng). Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 sẽ giảm từ 226.000 xuống 215.000 đồng.
Các dịch vụ cận lâm sàng được rà soát đa phần cũng sẽ giảm giá, như dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm mạnh từ hơn 2 triệu xuống chỉ còn chưa đến 600.000 đồng. Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu xuống còn 1,6 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu xuống còn gần 2,9 triệu...
"Dự thảo điều chỉnh giá này được đưa ra sau khi liên Bộ Y tế, Tài chính cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát điều chỉnh. Việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất...; hiện một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Vì thế, mức giá được xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp", ông Liên giải thích.
Như với giá giường bệnh được xây dựng trong giai đoạn 2012-2015, lúc này số lượng người đến bệnh viện huyện khám thấp và chỉ tăng lên từ năm 2016 khi có quy định thông tuyến. Nhiều bệnh viện tuyến huyện công suất sử dụng giường bệnh tăng cao, cần giảm giá.
"Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ cân nhắc dịch vụ nào có nguy cơ bị lạm dụng thì sẽ siết lại giá, như chiếu chụp, X-quang, nội soi... Nguyên tắc là dịch vụ nào khuyến khích các cơ sở y tế dùng thì sẽ điều chỉnh tăng giá để bệnh viện cung cấp cho người dân, ngược lại sẽ giảm giá dịch vụ không khuyến khích cung cấp nhiều", ông Liêm nói.
Dự kiến thông tư sẽ được ban hành trong tháng 5, thực hiện vào tháng 7 cho tất cả các đối tượng có hay không có thẻ bảo hiểm y tế.
Cũng theo lộ trình đến năm 2010, Bộ Y tế sẽ tiến tới sắp xếp lại 18.000 dịch vụ thành 2.000- 3.000 dịch vụ, nhóm dịch vụ để xây dựng giá. Ví dụ chụp X quang cẳng tay, cẳng chân… chỉ gom lại một dịch vụ chụp chi thể.
Theo lộ trình Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất điều chỉnh, sửa đổi thông tư 37 về viện phí, giai đoạn 1: đến 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37.
Các bên sẽ thực hiện khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.
Giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.