Dịch sốt xuất huyết ở TP HCM khiến 2 người tử vong
Từ tháng 10 năm ngoái đến ngày 10/3/2017, phường Hiệp Thành, quận 12 có 198 ca bệnh sốt xuất huyết, nhiều nhất trên địa bàn quận 12, trong đó có 1 ca tử vong. Đây cũng là một trong những địa bàn có ca mắc sốt xuất huyết, zika nhiều nhất tại TP HCM trong năm qua.
Điều trị cho trẻ nhiễm sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM |
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành cho biết: Trên địa bàn phường, đặc biệt là Khu phố 7, nơi vừa xảy ra một ca tử vong chủ yếu là dân nhập cư, chiếm 70% dân số. Việc vận động nhắc nhở, đôn đốc người dân thực hiện vệ sinh môi trường gặp khó khăn. Sau khi xảy ra ca tử vong, các tổ chức đoàn thể được lập thành 10 nhóm tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không hợp tác.
Bác sĩ Phạm Văn Đảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Tân Phú cho biết, các ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, người dân rất chủ quan, cho rằng sốt xuất huyết là một bệnh nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mà tự đi mua thuốc về uống, đến khi nặng rồi mới đi bệnh viện.
Tuần qua, quận Tân Phú có 4 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca bệnh rất nặng đang được chăm sóc và theo dõi. Sau khi phát hiện các ca bệnh và những ổ dịch nhỏ, ngành y tế thực hiện phun hóa chất.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, việc tuyên truyền cho người dân về công tác diệt trừ lăng quăng vẫn chưa hiệu quả. Để có thể loại bỏ được các ca bệnh sốt xuất huyết thì phải xác định những điểm nguy cơ và chọn địa phương cụ thể làm điểm. Công tác này sẽ được triển khai trong thời gian tới.
“Làm sao chúng ta xác định được những nơi có vật chứa rồi kiểm tra và xử lý triệt để những điểm nguy cơ. Ca bệnh giảm rõ thì sẽ nhân rộng cho các đơn vị phường khác; có cam kết và xử phạt. Muốn vậy lãnh đạo chính quyền phải quyết liệt vào cuộc” - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói./.