Địa vị phụ nữ Việt Nam trong xã hội và gia đình ngày càng nâng cao
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi đua nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về quá trình xây dựng và phát triển, cũng như vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của chị em trong những năm qua.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
- Xin bà cho biết vai trò quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của chị em trong những năm qua?
Bà Hà Thị Nga: Lịch sử ra đời và trưởng thành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn gắn bó không tách rời với quá trình phát triển của phong trào phụ nữ.
Thực tế cách mạng Việt Nam cho thấy, việc vận động quần chúng nói chung, vận động phụ nữ nói riêng, hữu hiệu nhất là thu hút họ vào tổ chức.
Từ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tổ chức Hội đã là nơi tập hợp, thu hút, rèn luyện đông đảo các tầng lớp phụ nữ trở thành lực lượng cách mạng hùng hậu, đóng vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước…
Trong suốt 90 năm qua, các phong trào và cuộc vận động mà Hội phát động đã thực sự thu hút, tập hợp được phụ nữ nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Bên cạnh sự phù hợp của phong trào, cần kể đến tầm nhìn, quyết tâm và sự gương mẫu của các cán bộ Hội, đặc biệt là lãnh đạo Hội, luôn từ thực tiễn để phát hiện, nâng tầm các mô hình, sáng kiến cụ thể ở cơ sở thành những phong trào, cuộc vận động ở tầm quốc gia, phát huy được sức mạnh của tất cả các tầng lớp phụ nữ.
Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ vẫn là tổ chức lớn nhất đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.
Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ được thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao kiến thức, kỹ năng để phụ nữ hiểu và tự bảo vệ quyền của mình; giám sát và phản biện xã hội.
Đối với các vụ việc xâm hại quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, Hội còn chủ động nắm tình hình, tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.
Đáng chú ý là Hội luôn phát huy vai trò của phụ nữ trong hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau thông qua các hoạt động kết nối giữa nữ trí thức, nữ doanh nhân với nông dân, với các nhóm đối tượng yếu thế hoặc các mô hình “đỡ đầu” giữa các hộ gia đình, thôn bản, tổ tư vấn cộng đồng…
Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước.
Tỷ lệ nữ cấp ủy, nữ đại biểu dân cử tăng về chất lượng và số lượng qua từng nhiệm kỳ. Nhiều nhiệm kỳ, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước và đặc biệt, hiện nay có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, có Chủ tịch Quốc hội là nữ, cùng nhiều chị đảm nhiệm các vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ khoảng 20% và tăng đều hàng năm.
Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN và có nhiều doanh nhân nổi tiếng, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, trong giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn, nhiều người có trình độ cao. Tỷ lệ nhà khoa học nữ cũng tăng dần qua từng năm, đạt mức 44,2% thạc sỹ và 28% tiến sỹ là nữ tại thời điểm hiện nay.
Những kết quả này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy, nhận thức xã hội về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện.
Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt các nhà khoa học nữ ngành giáo dục dịp 20/10/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
- Trải qua các thời kỳ, Hội đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc phát động các phong trào thi đua, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Bà có thể phân tích cụ thể sự thay đổi trong các phong trào thi đua qua các thời kỳ?
Bà Hà Thị Nga: Ngay từ khi thành lập, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức tiền thân đã phát động các phong trào phụ nữ phù hợp với bối cảnh lịch sử, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ với tư cách là người công dân ngoài xã hội và người vợ, người mẹ trong gia đình.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhằm hiệu triệu và phát huy sức mạnh của đông đảo phụ nữ Việt Nam tham gia và phục vụ chiến đấu, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động nhiều phong trào thi đua: “Phụ nữ tăng gia sản xuất, diệt giặc ngoại xâm;” “Mùa đông binh sỹ” và vận động phụ nữ tham gia phong trào “Hũ gạo cứu quốc”… góp phần giải quyết nạn đói, chăm lo cho bộ đội, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hội đã phát động phụ nữ tiến hành hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị lớn, nhỏ, mà nổi bật nhất là phong trào Đồng khởi từ Bến Tre đã phát triển rộng khắp miền Nam, thu hút hàng triệu chị em phụ nữ tham gia, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong bối cảnh miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bắt đầu khôi phục kinh tế, đồng thời chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, Hội phát động phong trào “Phụ nữ 5 tốt” với nội hàm phù hợp với đặc điểm tình hình 2 miền Nam và Bắc. Đặc biệt, phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam đến tận ngày nay.
Đất nước giải phóng, nhiệm vụ chính trị lớn nhất là khắc phục vết thương chiến tranh, nhanh chóng xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua như: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; các cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình,” “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học,” “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc,” “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch,” “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… đã phát huy được vai trò, đóng góp của phụ nữ, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của chị em khắp cả nước.
Thực tiễn cho thấy, sự phát triển của các phong trào thi đua gắn liền với sự phát triển của đất nước và những thay đổi trong đời sống của phụ nữ không những góp phần vào việc đổi mới đất nước, mà còn là mạch nguồn tiếp sức cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước, cống hiến và ngày một trưởng thành.
Như vậy, ở mỗi giai đoạn lịch sử, đáp lại yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ mà Hội đã đề ra các phong trào thi đua, cuộc vận động với nội dung sát hợp với vai trò và thế mạnh của phụ nữ.
- Xin bà cho biết những khó khăn và thách thức đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện nay và làm sao để phong trào phụ nữ phát triển hơn nữa?
Bà Hà Thị Nga: Bước vào thời kỳ mới, thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng cũng có những thách thức đặt ra đối với phong trào phụ nữ và công tác Hội.
Bản thân phụ nữ đang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp của một số nhóm phụ nữ còn hạn chế, khó thích ứng với thị trường lao động ngày càng mở rộng và biến đổi nhanh chóng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận phụ nữ chưa bị đẩy lùi.
Trong xã hội, định kiến giới vẫn còn tồn tại, là nguyên nhân quan trọng gây ra bạo lực trên cơ sở giới như bạo lực gia đình, tảo hôn, mua bán phụ nữ và trẻ em. Đội ngũ cán bộ Hội chưa bắt kịp xu thế đổi mới và yêu cầu ngày càng cao của công tác phụ nữ.
Một bộ phận cán bộ Hội chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu đổi mới công tác phụ nữ, vai trò và trách nhiệm của mình; trình độ, năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu, đề xuất chính sách và giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế.
Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới khá tốt, nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn còn có lúc, có nơi chưa hiệu quả, nên việc thu hẹp khoảng cách giới còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
Để phong trào phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển Hội đến năm 2030, tầm nhìn 2035 với những chương trình hành động như củng cố, phát triển hội viên và tổ chức thành viên, kết nối với các tổ chức hoạt động vì phụ nữ trong nước và ngoài nước; kiện toàn tổ chức bộ máy hợp lý, hiệu quả, đội ngũ cán bộ Hội tận tâm, chuyên nghiệp; thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đồng thời mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước.
Trên cơ sở định hướng căn bản của Chiến lược, trong năm 2021 và 2022, các cấp Hội sẽ cụ thể hóa thành những chương trình hành động, giải pháp cụ thể trong văn kiện đại hội Phụ nữ các cấp và Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.