ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TP.HCM cho biết thông tin thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đã được công bố tại Hội nghị thường niên 2017 của ĐH này cách đây một tuần. Đó là một trong các mục tiêu sẽ thực hiện trong năm 2018 của ĐH này.
Ông Chính cũng cho biết “đề thi mẫu cũng đã sẵn sàng để công bố cùng với Phương án tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM”.
Theo đề án, năm 2018, phương thức tuyển sinh tại ĐHQG TP.HCM sẽ được tăng thêm phần đa dạng, tiếp cận thông lệ quốc tế khi công nhận kết quả các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT, A-level trong như điều kiện tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tuyển sinh của các đơn vị thành viên sẽ không dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi này mà chỉ sử dụng một phần chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả này.
Các thí sinh tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực do trường ĐH Quốc tế, thành viên ĐHQG TP.HCM, tổ chức năm 2017 |
TS Nguyễn Quốc Chính cũng chia sẻ, khác với kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi ĐGNL chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tư duy logic, năng lực phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề. Các năng lực này được đánh giá thông qua một bài thi tổng hợp gồm 100 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút.
Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Do đó sẽ đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thí sinh chứ không đánh giá khả năng học thuộc.
Bài thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Cụ thể, đây đều là các bài thi chuẩn hóa của để nhằm xét tuyển đầu vào học đại học. Các bài thi đều nhắm vào việc đánh giá năng lực học đại học của thí sinh thông quan việc kiểm tra các kỹ năng liên quan đến đọc, hiểu, tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần đánh giá về mặt nhớ kiến thức. Cấu trúc bài thi ĐGNL sẽ tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.
Đại điện ĐHQG TP.HCM cũng cho biết, chuẩn bị cho kỳ thi này trong 2 năm qua ĐH này đã tập trung xây dựng ngân hàng đề thi với số lượng lớn, chất lượng cao, theo quy trình xây dựng chặt chẽ với đội ngũ các chuyên gia đến từ các đơn vị thành viên, Sở GD-ĐT TP.HCM và các trường THPT. Tất cả các câu hỏi được đánh giá về độ giá trị, độ tin cậy, độ phân biệt thông qua nhiều vòng phản biện bởi chuyên gia và đánh giá thực tế trên đối tượng học sinh THPT trong và ngoài phạm vi TP.HCM. Kết quả đánh giá thử nghiệm cho thấy sự ủng hộ cao của thí sinh đối với hình thức đánh giá mới, đặc biệt các thí sinh rất thích thú với phần đánh giá về kỹ năng tư duy, logic và giải quyết vấn đề.
Mỗi đơn vị thành viên của ĐHQG TP.HCM, căn cứ theo bối cảnh của đơn vị mình để xác định phạm vi (ngành, chương trình) và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức. Với một số ngành/chương trình đặc thù như ngành Y, Dược, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, có thể bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá để tuyển được thí sinh phù hợp nhất.