Đề xuất đúc tượng rùa: Xu hướng tượng đài nào cũng muốn đặt ở Hồ Gươm?
Các vị trí được đề xuất đặt tượng rùa Hồ Gươm. |
“Hà Nội đâu chỉ có Hồ Gươm!”
“Việc đóng góp ý kiến để xây dựng Thủ đô ngày một sạch đẹp, văn minh hơn là điều rất đáng ghi nhận, trân trọng; nhưng dường đang có một ‘xu hướng’ mới - các tượng đài, công trình kỷ niệm… đều muốn đặt ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội đâu chỉ có Hồ Gươm!” kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) chia sẻ.
Theo vị kiến trúc sư này, hồ Hoàn Kiếm đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, một không gian mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Ở khu vực này đã có nhiều điểm di tích như đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Tháp Rùa…
“Bởi vậy, tôi cho rằng, đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng đặt tại khu vực này là không hợp lý. Nhìn rộng ra, chúng ta không nên đặt thêm các công trình nhân tạo mới tại đây. Thay vào đó, các cơ quan quản lý cần đưa ra và thực hiện nghiêm cẩn bản quy hoạch chi tiết về cảnh quan Hồ Gươm,” kiến trúc sư Trần Huy Ánh bày tỏ quan điểm.
Phân tích sâu hơn về vấn đề trên, ông Ánh cho rằng, việc đưa thêm những công trình mới vào khu vực này sẽ dẫn tới việc cần có những thiết kế, không gian phụ trợ đi kèm. Trong khi đó, không gian hồ Hoàn Kiếm là không gian nhỏ. Việc thêm vào những công trình mới, nếu không có tính toán, cân nhắc cẩn trọng sẽ dẫn đến việc gây ảnh hưởng xấu, phá vỡ cảnh quan chung.
Để không gian Hồ Gươm có sự tĩnh lặng
Có cùng quan điểm trên, giáo sư-tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho biết, bản thân ông không tán thành với đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng tại khu vực phố đi bộ Hà Nội.
Theo vị chuyên gia này, việc đặt một bức tượng màu vàng tại khu vực này là điều không hợp lý, đặc biệt là khi đặt trong tương quan chung với những điểm di tích tại đây có vẻ rêu phong, cổ kính.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
“Tôi không đồng tình với quan điểm đưa những thứ có màu sắc sặc sỡ vào trang trí ở khu vực này. Hãy để không gian Hồ Gươm có sự tĩnh lặng, tránh những ồn ào, xô bồ bởi đây là nơi ‘lắng đọng’ trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Trong trường hợp du khách muốn ngắm nhìn hình ảnh rùa Hồ Gươm thì đã có tiêu bản rùa được lưu giữ ở đền Ngọc Sơn,” Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ.
Bên cạnh đó, giáo sư Vũ Minh Giang cũng cho rằng, thay cho việc đúc tượng hay đưa những công trình tương tự vào khu vực này, các cơ quan chức năng nên trồng thêm cây xanh, thảm cỏ cũng như siết chặt việc quản lý kinh doanh, giữ gìn vệ sinh công cộng ở khu vực xung quanh Hồ Gươm.
Trước đó, ông Tạ Hồng Quân - một công dân Thủ đô đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ Hà Nội.
Theo đề xuất, tượng rùa Hồ Gươm sẽ nặng khoảng 6-10 tấn, cao 3,5m, dài 2,5m, làm bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Ông Tạ Hồng Quân đề xuất hai phương án vị trí đặt tượng là ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng hoặc vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Thái Tổ.
Đề xuất này đã tạo nên những luồng tranh luận trái chiều trong những ngày qua. Bên cạnh những ý kiến phản đối, đề xuất này cũng nhận được sự tán đồng của một số chuyên gia như phó giáo sư-tiến sỹ Hà Đình Đức - người được mệnh danh là “nhà rùa học” với hơn 20 năm chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm.
Nhà nghiên cứu Hà Đình Đức. (Ảnh: Vietnam+) |
“Khi rùa Hồ Gươm không còn thì việc làm một bức tượng cũng là một việc làm ý nghĩa. Bởi khi nhắc đến Hồ Gươm, người ta không thể không liên tưởng tới ‘cụ rùa’ ở đây. Đó không chỉ đơn thuần là một sinh vật thuộc chủng loại quý hiếm mà từ lâu nay, trong tâm thức người dân Việt, rùa Hồ Gươm là một biểu tượng gắn với những truyền thuyết về các sự kiện, nhân vật lịch sử như vua Lê Lợi… Vấn đề quan trọng là tính toán, cân nhắc cụ thể về màu sắc, hình khối, chất liệu, vị trí đặt của tượng; làm sao để không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan xung quanh,” ông Đức nói./.