Không nên đặt tượng Rùa vàng ở Hồ Gươm
Đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” của ông Tạ Hồng Quân, một công dân thủ đô Hà Nội vừa mới đưa ra đã gây sự chú ý của giới chuyên môn và dư luận.
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, ông không thấy vẻ đẹp của hình tượng Rùa vàng qua phác thảo của đề án.
Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. |
“Xưa nay, Rùa thường gắn liền với hình tượng đội bia. Hơn nữa, Rùa thường nằm bẹp nên rất khó để tạo nên một hình tượng mỹ thuật đẹp mắt”, họa sỹ Khánh Chương nhận xét.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam còn bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, mẫu phác thảo về Rùa vàng đang làm thay đổi nghiêm trọng hình tượng Rùa vàng truyền thống.
“Không nên đặt bất kỳ một bức tượng nào ở Hồ Gươm nữa. Không gian ở đó đã có Tượng Vua Lê, Tháp Rùa. Để tìm một vị trí mới phù hợp với việc đặt thêm tượng Rùa Vàng nữa là rất khó. Theo tôi, chúng ta nên trồng thêm nhiều hoa ở xung quanh là phù hợp nhất. Cá nhân tôi không thích hình tượng con Rùa vàng, vì ở góc độ điêu khắc, rất khó để đẹp”, họa sỹ Khánh Chương cho biết.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc cũng cho rằng, cần cẩn trọng khi đặt tượng Rùa vàng bên Hồ Gươm.
“Singapore có Sư tử phun nước và hình ảnh này đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ý tưởng xây dựng một hình tượng mới gắn liền với Bờ Hồ, Hà Nội là rất hay nhưng phải xem là đã thực sự phù hợp? Có hai vấn đề cần đặt ra, một là vị trí đặt ở đâu, hai là hình tượng đó như thế nào? Tôi cho rằng vị trí quyết định hình tượng. Sư tử ở Singapore được đặt ở biển để phun nước. Còn rùa ở Hồ Gươm thì phải tính toán cẩn trọng. Hiện nay, trong quy hoạch không gian Hồ Gươm không có hạng mục này. Đây là ý tưởng rất mới và cần cân nhắc kỹ trước khi thực thi”, TS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Phác thảo mẫu tượng và phối cảnh tượng rùa vàng đặt ở khu vực Hồ Gươm |
GS Phan Huy Lê chia sẻ, ông biết đến ý tưởng “Đúc biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm” từ mấy năm trước. “Ngay sau khi hình tượng Thánh Gióng được thí điểm dịp 1000 năm Thăng Long, tác giả Tạ Hồng Quân đã đề xuất thêm đề án này. Tuy nhiên, không gian Hồ Gươm rất hẹp cho nên cần có sự tính toán, kỹ lưỡng từ các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch, di sản, lịch sử”, GS Phan Huy Lê cho biết.
Trả lời báo chí, “Nhà Rùa học” Hà Đình Đức cho rằng, ông ủng hộ ý tưởng đúc tượng rùa vàng đặt ở khu vực Hồ Gươm. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị phải có sự tính toán kỹ lưỡng bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ đồng tình. Ông cho biết, ý tưởng đúc tượng rùa vàng của ông Quân có cách đây khoảng 10 năm và ông ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay không gian Hồ Gươm được quy hoạch nên việc đặt các hình tượng mới vào khu vực này cần thận trọng.
"Một công trình tâm linh đặt vào khu vực Hồ Gươm cần hết sức thận trọng vì đã làm thì không sửa được. Các nhà quản lý cần lắng nghe ý kiến chuyên gia và dư luận để có quyết định đúng", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Theo đề án, tượng Rùa vàng Hồ Gươm sẽ được đúc bằng đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 m, cao 3,5 m, nặng khoảng 6-10 tấn.
Tác giả Tạ Hồng Quân đề xuất hai phương án đặt rùa tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Kinh phí đúc tượng được huy động xã hội hóa.
Theo ông Tạ Hồng Quân, năm 2011, ông từng gửi đề án đúc tượng Rùa vàng đến UBND TP Hà Nội song chưa được cơ quan thành phố trả lời. Cuối năm 2016, ông lần nữa gửi kiến nghị này đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ông Quân cho biết, ý tưởng đúc tượng rùa bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử như rùa giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa; Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy. Thực tế Hồ Gươm từng có con rùa mai mềm quý hiếm sống nhiều năm, được người dân Hà Nội và cả nước yêu mến.
"Hiện tại Việt Nam thiếu một biểu tượng nhận diện mang đậm bản sắc dân tộc, trong khi nhiều nước có như Pháp với tháp Eiffel, Mỹ có tượng nữ thần tự do", ông Quân nói. Nếu đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì nhóm thực hiện sẽ tổ chức cuộc thi tạo biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm./.