Để trám đen trở thành cây làm giàu
Cây trám đen ghép được hỗ trợ trồng ở 2 xã Nga My và Hà Châu (huyện Phú Bình) sẽ cho thu hoạch sau 3 đến 4 năm trồng |
Những ngày đầu năm 2024, trên những mảnh vườn tạp ở 2 xã Nga My và Hà Châu, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ để trồng mới cây trám đen thay thế những cây lâu năm trước đây hiệu quả thấp. Người dân phấn khởi khi giờ đây việc nhân giống, mở rộng loại cây này dễ dàng hơn rất nhiều bởi ứng dụng khoa học, kỹ thuật và cây giống được nhà nước hỗ trợ…
Ông Đặng Văn Tựu, xóm Kén, xã Nga My, huyện Phú Bình phấn khởi cho biết: "Trám của Hà Châu, Nga My chưa bao giờ bị thất thu, luôn có giá trị cao. Đặc biệt đến bây giờ có dự án khoa học ghép trám rất nhanh cho thu hoạch, lại năng suất. Ứng dụng này đưa về cho bà con nhân dân là rất hiệu quả".
Cây trám đen ghép được hỗ trợ trồng đợt này dự kiến sẽ cho thu hoạch sau 3 đến 4 năm trồng, nhanh hơn cây trám trồng bằng hạt khoảng 6 năm; tỷ lệ ra quả cũng cao hơn. Ngoài ra, cây trám ghép không phân tán rộng bằng cây trám trồng bằng hạt nên việc thu hoạch quả sẽ thuận lợi hơn.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: "Đối với với sản phẩm chủ lực của địa phương thì huyện cũng xác định sẽ đầu tư trọng tâm trọng điểm và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, không những đem lại hiệu quả phát triển kinh tế cho bà con mà đó là sản phẩm đặc trưng và tiêu biểu của huyện. Trong quá trình thực hiện dự án sẽ phát triển diện tích trám hiện có của địa phương, tăng thêm diện tích và chất lượng cũng như quá trình chế biến sâu, đặc biệt trong dự án chúng tôi đã tham mưu để cấp nhãn hiệu tập thể trám đen, bổ sung vào cái nhãn hiệu tập thể của địa phương".
Người dân đã chế biến quả trám đen thành những sản phẩm OCOP |
Ngoài việc gìn giữ, phát triển loại cây bản địa đặc sắc, nâng cao thu nhập cho nông dân, chương trình cũng góp phần tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng cho người dân địa phương, nâng cao giá trị cho nông sản vùng miền… Đây là hoạt động nằm trong Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh về “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản trám đen theo hướng hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trám đen Phú Bình”.
Ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên: "Chúng tôi xây dựng thêm nhãn hiệu tập thể cho huyện Phú Bình để đưa các hàng hóa là sản phẩm của cây trám đen này ra thị trường ở trong nước cũng như thị trường quốc tế. Vì vậy cần phải có nhãn hiệu tập thể cũng như mã số mã vạch và đảm bảo chất lượng cũng như là truy xuất ngồn gốc".
Để nâng cao hơn nữa giá trị của quả trám đen, huyện Phú Bình đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc mở rộng diện tích trồng cây trám đen, tập trung ở các xã ven sông Cầu như Hà Châu, Nga My, Thượng Đình, Úc Kỳ…, phấn đấu mở rộng diện tích đến năm 2025 đạt trên 400ha, đưa cây trám thành cây chủ lực - cây làm giàu cho người dân địa phương./.