Để hàng Việt chinh phục người Việt: Cách nào?
Thương hiệu Việt Nam phải chinh phục người tiêu dùng
"Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp có thể có những diễn đàn để trao đổi với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để có những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ điều chỉnh, thay thế những cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Mục tiêu cuối cùng của Cuộc vận động là phải thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, để sản phẩm, thương hiệu Việt Nam phải chinh phục người tiêu dùng”- ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai cuộc vận động năm 2018, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hôm nay (15/1), tại Hà Nội.
Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Báo cáo kết quả triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2018, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, năm 2018 là năm thứ 3 Ban Chỉ đạo phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố. Từ thông báo này, thành viên Ban chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch làm việc, nắm tình hình triển khai Cuộc vận động tại các địa phương được phân công.
Theo đó, năm 2018, có 13 tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, thành phố. Tính đến nay, có 100% Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập; 470/712 Ban Chỉ đạo cấp huyện được thành lập (đạt 66%). Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 55/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 149.161 cuộc với 6.365.103 người tham dự; đăng tải trên 21.685 tin, bài, phóng sự; tổ chức được 112 hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; 361 hội chợ, triển lãm, 2.010 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn; 38 cuộc kiểm tra, giám sát liên ngành.
Đồng thời xây dựng và thực hiện nhiều mô hình, chương trình phong phú như: tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, khảo sát lấy ý kiến về Cuộc vận động; mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Khu dân cư cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt”, “phiên chợ hàng Việt”; chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP); chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng”; “Người dân nói không với hàng lậu”, “Xây dựng nền văn hóa tiêu dùng với sản phẩm trong nước”...
“Thông qua Cuộc vận động, các hội chợ và phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu, nhận biết các mặt hàng sản xuất trong nước, các sản phẩm của địa phương của vùng miền. Các doanh nghiệp, được tạo điều kiện, môi trường kinh doanh mang lại tâm lý tích cực, kích thích việc phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng vùng, hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh”- bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường; một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả… Công tác phối hợp, kiểm tra giám sát của các Ban Chỉ đạo chủ yếu thực hiện lồng ghép với các nội dung có liên quan hoặc các ngành tự giám sát, quản lý theo cấp quản lý trực thuộc…
Để hàng Việt chinh phục người Việt: Cách nào?
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, cuộc vận động làm thay thay đổi cách nghĩ cách làm của nhiều doanh nghiệp khi trân trọng thị trường nội địa, quan tâm đến chất lượng thương hiệu.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, trong năm thứ 10 thực hiện, cần phải tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết nhiều hơn về thành công của Cuộc vận động. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền qua băng rôn, báo, đài cần có sự chuyển hướng trong tiếp cận thông tin, quan tâm đến các trang mạng để tuyên truyền về Cuộc vận động.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát |
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định, để cuộc vận có hiệu quả cao hơn cần tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động.
Theo ông Cao Đức Phát, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cần quan tâm để thu hút các hiệp hội, ngành hàng tham gia cuộc vận động. Bên cạnh việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phát triển cần tăng cường công tác quản lý thị trường đấu tranh chống hàng giả hàng nhái kém chất lượng để bảo vệ uy tín của hàng Việt. Đặc biệt cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để hàng Việt tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.
“Năm 2019 là năm quan trọng khi hiệp định CPTPP đã có hiệu lực và 60% dòng thuế đã bị xóa bỏ, theo cam kết 3 năm tới sẽ có 85% dòng thuế bị xóa, đây là áp lực đối với hàng hóa Việt, chính vì vậy cần có sự chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt để góp phần phát triển kinh tế - xã hội”- ông Cao Đức Phát đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, bước vào năm thứ 10 thực hiện Cuộc vận động, cuộc vận động không chỉ là khẩu hiệu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà cần phải hướng tới mục tiêu hàng Việt chinh phục người Việt. Về phía Bộ Công thương sẽ có những biện pháp phù hợp để bảo vệ thị trường trong nước, quan tâm đến phát triển hệ thống phân phối nhằm tăng tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống bán lẻ và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải |
Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động là chuẩn bị tốt các điều kiện để tổng kết 10 năm Cuộc vận động để từ đó đề nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ có những quyết sách mới phù hợp với cuộc vận động trong giai đoạn hiện nay.
Ông Hầu A Lềnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo các địa phương, tiếp tục quán triệt những chủ trương của Đảng, Nhà nước, các nội dung của Cuộc vận động để triển khai nhiệm vụ năm 2019 có hiệu quả hơn. Trong đó tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, xây dựng quy chế hoạt động đảm bảo tính liên thông để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp của các thành phần trong xã hội, của kiều bào ở nước ngoài về các chủ trương, ý nghĩa của Cuộc vận động để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.
“Cần có sự đánh giá, nhân rộng thường xuyên, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các mô hình có hiệu quả, tổ chức thường xuyên các hoạt động tôn vinh, biểu dương thi đua khen thưởng để cổ vũ, khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân khi sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước chính là đóng góp cho sự phát triển của đất nước”- ông Hầu A Lềnh đề nghị./.